Kết chạ xưa
Không rõ tục kết chạ (trong tiếng Việt cổ, “chạ” nghĩa là làng) có từ bao giờ, nhưng theo cuốn “Tục hay lệ lạ Thăng Long - Hà Nội” (tác giả Bùi Dư), từ xa xưa, ở xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) đã có câu ca: “Đời Trần bão táp mưa sa/ Thanh Trì đê vỡ mười ba năm liền”. Sau khi tìm mọi cách vẫn không đắp nổi đoạn đê ngăn lũ ở đây, một đêm, vua Trần được thần báo mộng phải hạ chiếu cho dân làng Địch Vạn (làng Vạn Phúc) đắp đê mới thành công. Nhận lệnh vua, chức dịch làng Địch Vạn huy động dân cấp tốc đắp đê Đỉnh Nhĩ (đoạn từ điếm 30 xã Ngũ Hiệp đến xã Vạn Phúc dài 1,5km) vốn là đoạn đê do làng Nga My (xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai) đảm trách. Khi dân Nga My kéo đến, công việc đã hoàn tất. Cảm ơn nghĩa cử đó, làng Nga My xin vua cho hai làng kết nghĩa giao hảo để giúp nhau lúc khó khăn.
Cuối thế kỷ XIX, bờ bắc sông Nhị bị lở, dân làng Đại Lan về bờ nam sinh sống tại địa phận xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì). Do đất mới bồi chưa dựng được nhà, người Vạn Phúc cho người Đại Lan 18 mẫu đất để dựng nhà. Người xã Yên Mỹ nhường 22 mẫu đất làm nghĩa trang (vì thế gọi đất ấy là Nghĩa Nhượng). Mỗi gia đình ở làng Khuyến Lương (nay thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) giúp một cây tre, một cái gianh...
Làng Lê Xá (xã Mai Lâm, huyện Đông Anh) ở bờ bắc sông Đuống kết chạ với làng Thanh Am (nay thuộc phường Thượng Thanh, quận Long Biên) ở bờ nam vì cùng thờ Đào Kỳ và Phương Dung, tướng của Hai Bà Trưng, làm Thành hoàng làng. Hồi kháng chiến chống Pháp, hàng trăm người Thượng Thanh đã vượt sông Đuống tản cư sang Lê Xá, được dân ở đây giúp nơi ăn chốn ở, dạy nghề đan lát, vặn thừng... kiếm sống.
Làng Trùng Quán (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) và làng Phù Lưu (nay thuộc phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đều là những làng cổ của vùng Kinh Bắc xưa và cùng thờ thánh Tam Giang nên kết chạ giao hiếu. Làng Trùng Quán nằm bên công quán Lã Côi, một trong 6 trạm dịch của triều đình trên đất Kinh Bắc, nên phải phục dịch quan nha, canh phòng dịch trạm, cắt cỏ ngựa, chạy công văn... Khi châu Cổ Pháp đổi thành huyện Đông Ngàn (phủ Từ Sơn) thì lỵ sở chuyển về khu vực Từ Sơn và thôn Phù Lưu kế cận cũng phải gánh vác tạp dịch như Trùng Quán. Từ đó hai làng càng gắn bó với nhau hơn.
Điều đặc biệt là khi đã kết chạ, người hai làng thương quý nhau hơn, ứng xử nhường nhịn, tránh va chạm làm ảnh hưởng đến thanh danh của làng.
Kết chạ thời nay
Dẫu cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng tục kết chạ hiện vẫn được người dân các làng gìn giữ, phát huy. Vì “nhân giao thần giao” nên mỗi khi mở hội, “chạ em” sắm lễ vật sang “chạ anh” lễ thần. Khi làng Lê Xá và Thượng Thanh sửa đình, gặp thời buổi kinh tế khó khăn, làng này cử người sang làng kia gánh đất san nền, lúc đời sống khá giả thì góp tiền công đức... Hiện nay, ở mỗi làng (xã) đều có các câu lạc bộ thơ văn, thường tổ chức giao lưu định kỳ với câu lạc bộ của những làng (xã) xung quanh, qua đó củng cố tình giao hảo.
Đầu tháng 10-2010, đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, qua nghiên cứu các tư liệu cổ, đối chiếu các sự kiện lịch sử, cụ Nguyễn Việt Hồng ở xã Kim Lan (huyện Gia Lâm) khẳng định, bà Lã Thị Nga, Thành hoàng làng đồng thời là tổ nghề dệt lụa làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) chính là phu nhân của Thành hoàng làng Kim Lan. Hằng năm, người Kim Lan mở hội Đức thánh Ông vào ngày mùng 10 tháng Giêng, còn người Vạn Phúc mở hội Đức thánh Bà vào ngày 11 tháng Giêng. Từ đó đến nay, mỗi khi làng Vạn Phúc mở hội, đại diện cán bộ, nhân dân xã Kim Lan lại rước phù hương đặt tại ban thờ Đức thánh Bà. Trong hội có lễ hiến sinh (gồm hai con bò và 100 quả trứng sống). Sau khi tế lễ, dân làng Vạn Phúc tặng hai con bò cho các cựu chiến binh và gia đình liệt sĩ ở xã Kim Lan. Khi xã Kim Lan đạt chuẩn Nông thôn mới, nhân dân Vạn Phúc cũng đến chúc mừng. Khi chùa làng Kim Lan tổ chức đúc chuông và khánh, nhiều người Vạn Phúc đã đóng góp công đức...
Kết chạ giao hiếu là một phong tục đẹp, góp phần tăng cường tình đoàn kết, cố kết cộng đồng. Đó là nét đẹp nghìn đời của cha ông trao truyền cho các thế hệ hôm nay.