Chuyển biến tích cực
Trạm trưởng Trạm Thú y quận Ba Đình Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, Đội chuyên trách bắt và xử lý chó thả rông của 14 phường trên địa bàn quận Ba Đình thường xuyên được kiện toàn và duy trì tốt hoạt động. Chó thả rông bị bắt sẽ được mang về trụ sở UBND phường, sau 48 giờ lưu giữ nếu không có người đến nhận sẽ bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội hoặc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, quận Ba Đình yêu cầu chủ vật nuôi ký cam kết nuôi nhốt hoặc giữ trong khuôn viên gia đình, chịu hoàn toàn trách nhiệm khi để chó, mèo nuôi cắn người.
Từ đầu năm 2022 đến nay, quận Ba Đình tổ chức được 118 buổi bắt và xử lý chó thả rông; xử phạt 2 trường hợp với số tiền là 1,7 triệu đồng... Lực lượng chức năng cũng nhắc nhở 5 trường hợp dắt chó đi dạo nhưng không đeo rọ mõm, trong đó có 2 trường hợp là người nước ngoài.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà Nguyễn Tuyết Trinh, Đội chuyên trách bắt và xử lý chó thả rông của phường Ngọc Hà có khoảng 10 người, gồm đại diện tổ dân phố, công an, dân phòng…, hoạt động 1-2 lần/tuần theo lịch không cố định để xử lý các vi phạm của chủ vật nuôi khi mang “thú cưng” ra ngoài đường nhưng không đeo rọ mõm, để vật nuôi phóng uế. Đội được trang bị lồng, găng tay, quần áo bảo hộ, vợt bắt chó. Hiện 16/16 tổ dân phố trên địa bàn phường Ngọc Hà đều đưa quy định về việc nuôi chó, mèo vào quy ước của tổ dân phố.
Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của Đội chuyên trách bắt và xử lý chó thả rông, UBND phường Giảng Võ đã đẩy mạnh tuyên truyền qua bảng tin, trạm tin, mạng xã hội; cử cán bộ phường tuyên truyền tại các điểm dễ xảy ra vi phạm như vườn hoa, khu vui chơi công cộng nhằm tạo chuyển biến về ý thức cho người dân. Theo Chủ tịch UBND phường Giảng Võ Nguyễn Ngọc Chiến, đến nay đa phần người dân đã có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự đô thị trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Hoa (ở khu tập thể Giảng Võ, phường Giảng Võ) chia sẻ: “Từ năm 2020, khi thành lập Đội chuyên trách bắt và xử lý chó thả rông của phường Giảng Võ, tình trạng chó, mèo gây nguy hiểm, phóng uế bừa bãi đã giảm hẳn, trả lại cảnh quan cho người dân yên tâm thư giãn”.
Tháo gỡ những khó khăn
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Đội trưởng Đội chuyên trách bắt và xử lý chó thả rông của phường Trúc Bạch Đào Lan Phương cho biết, công tác này đang gặp nhiều khó khăn. Một phần là do người dân chưa nhận thức đầy đủ về công tác vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, thậm chí còn cố tình cản trở khi Đội chuyên trách bắt chó thả rông vây bắt vật nuôi của gia đình họ. “Do ý thức kém, nhiều người dân thả chó ra vườn hoa công cộng, không xích, không rọ mõm, thoáng thấy lực lượng chức năng xử lý chó thả rông thì vội vàng chạy đến ôm, lùa vật nuôi về nhà”, bà Đào Lan Phương nói.
Bị chủ vật nuôi gây khó khăn là một phần, dù phát hiện không ít trường hợp chó thả rông nhưng việc vây bắt không dễ dàng do nhân lực mỏng, trang thiết bị thô sơ. Thành viên Đội chuyên trách đều là cán bộ công chức, tình nguyện viên…, chưa có kỹ năng nghiệp vụ nên nguy cơ bị chó dữ tấn công, gây thương tích hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó việc bắt chó to và chó dữ gặp rất nhiều khó khăn.
Để có cơ sở xử lý sau khi bắt chó thả rông, công tác quản lý vật nuôi đóng vai trò quan trọng. Phó Chủ tịch UBND phường Liễu Giai Nguyễn Lê Khôi cho biết, qua thống kê rà soát, hiện trên địa bàn phường có 347 con chó, mèo, trong đó đã tổ chức tiêm phòng dại 319/347 con; 100% các hộ nuôi chó, mèo ký cam kết chấp hành các quy định trong việc nuôi động vật. Khi đã có dữ liệu quản lý, phường sẽ chủ động chỉ đạo các tổ dân phố nhắc nhở chủ nhân vật nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn khi đưa “thú cưng” ra nơi công cộng.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác của Đội chuyên trách bắt và xử lý chó thả rông, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng cho biết, UBND quận đã quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; bố trí khu vực nhốt giữ và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận. Bên cạnh đó, Trạm Thú y quận cũng tổ chức tập huấn kỹ năng bắt chó thả rông, động vật mắc bệnh dại hoặc có dấu hiệu mắc bệnh dại cho các thành viên của đội bắt chó thả rông; phối hợp với cơ quan y tế tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho các thành viên đội bắt chó thả rông theo quy định của ngành Y tế.