Hà Nội văn

Ý thu nồng

Phạm Gia Quỳnh 05/11/2023 - 06:27

Một trận lá đổ cuốn theo cơn gió về nơi xa, hơi nước tràn trong vòm không như con triều dâng, thấm xuống phiến lá vừa chao nghiêng, đậu xuống trước mắt.

Khi vẫn đương cơn ngỡ ngàng, gió thu đã lọt vào song cửa, len qua trang thơ cổ đọc dở dang, theo đó là cơn mưa giọt nặng đánh trên mái khiến thời gian như ngừng lại ngay khoảnh khắc này như một sự hô ứng. Dãy núi sau nhà chìm trong vùng nước trắng tựa mây, cây cỏ tắm trong không khí mát mẻ này như bừng lại sức sống.

minh-hoa-1.jpg
Minh họa: Công Quốc Hà.

Con chào mào non tranh thủ rỉa lông, thảng hoặc lại phát ra những tiếng kêu hơi chói, giật mình bởi tiếng sấm động, rụt vội vào góc lồng. Hôm ấy là sau rằm, tiên sinh Châu Hải Đường viết hai câu:

“Lựu hoa hồng phún hỏa
Thảo sắc lục sinh yên”.
(Hoa lựu đỏ như lửa phun,
Cỏ xanh biếc như khói tỏa).

Thoạt ý chỉ hạ nồng. Đứng ngoài hiên trông mưa đổ, tôi ôm nỗi nhớ thu, bèn mạn ý nối thêm đôi dòng:

“Ỷ lan đãi Đào lệnh,
Vấn thiềm hà thời viên?”
("Tựa vào lan can chờ
Đào Uyên Minh
Để hỏi rằng biết bao giờ
trăng mới tròn?")

Hôm sau trời ráo và có nắng, cơn mưa to đêm qua như thể giấc mộng, chớp mắt đã thấy bốn bề rợp sắc vàng. Sáng sớm, nhấp ngụm chè xanh ướp xổi với hoa nhài, lòng trộm vui vì thu thực đã về rồi. Cữ này ở quê tôi đương là thời điểm thu hoạch tích trữ cho mùa đông khắc nghiệt sắp tới, những thức tỷ như rau dưa, cà muối, và hầu hết đồ khô đều được bà tôi chuẩn bị tươm tất trong mùa này. Bà luộc một nồi măng, tước thành sợi rồi trải bạt, tãi ra phơi.

Cảnh này khiến tôi chợt nhớ về khoảng thời gian cách đây gần hai mươi năm khi tôi còn học ở quê nhà, xuân thu nhị kỳ đều có người vào núi hái măng. Dẫu là sản vật thường gặp nhưng măng mỗi mùa có độ giòn, hương vị đi kèm cách chế biến riêng, muốn giữ được lâu cần phải luộc cho chín rồi phơi khô hoặc ngâm chua với ớt, giấm và muối...

Trường cấp hai cách nhà một cây số, mỗi ngày đi học, nhìn qua bờ rào nhà dân có thể thấy được gầm sàn đặt các khung cửi đang dệt dở. Vùng núi nơi tôi sống lấy nghề nông lâm làm chính, vải được dệt ra chủ yếu để dành cho sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt là với các gia đình có con gái, trước khi về nhà chồng, các cô các chị sẽ tự may vá chăn, gối.

Thuở bé khi vào sâu trong bản với bạn, tôi hay ngồi giúp bọc vỏ gối ngũ sắc, gọi như vậy bởi loại gối này được ghép bằng các ô vải nhỏ, có khi là hình thoi, có khi là hình ngũ giác, muốn thế, người ta sẽ cắt các mảnh bìa mỏng làm khuôn rồi may bọc lại, sau đó mới gập rút các khuôn đó ra, khâu lại một lượt. Phần vỏ gối được làm tùy theo kích thước ruột gối, bên trong gối được nhồi bông lau hoặc bông gạo.

Mùa thu trên xóm núi trải qua bình an, trầm lắng, giữa thiên nhiên tịch lặng, giác quan của con người trở nên nhạy bén hơn. Sớm bước ra cửa là có thể cảm nhận được làn sương mỏng dần theo hơi ấm của vầng dương đương ló dạng đằng Đông, hương hoa chờm vấn lẫn với khói bếp buổi sáng, hòa theo bước chân người đang lục tục dắt trâu ra đồng.

Bóng nắng tàn chênh chếch rọi trước thềm, ánh lên hai khóm trúc nhỏ trồng trước cửa, ông ngoại lục tục thu măng. Bây giờ nhà chuyển về phố, ánh trăng tiết thu như nhòa lẫn vào với ánh đèn trăm hộ.

Nhiều năm qua, tôi đã luôn muốn viết một cuốn sách về ông mình, hiềm một nỗi lại chẳng biết nên đặt bút từ đâu. Nhìn vóc dáng rạc đi theo những câu chuyện xưa cũ về một thời đã qua là chẳng bao giờ trở lại, có những việc như thể truyền kỳ thếp lên ông một sắc thái đầm như thu chín. Người bước qua khói lửa chiến tranh, bước qua bao nhiêu trúc trắc trong đời, dẫu quá khứ có ngang dọc đến đâu thì nay cũng khép lại trong khoảnh sân con.

Pha thêm một ấm trà muộn, chốc chốc lại có tiếng tắc kè đánh lên trong bóng tối. Ngoài ban công kia, đã thấy mấy nụ nhài đơn đâm trắng dưới bóng trăng già.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ý thu nồng