Hà Nội văn

Mợ Sương

Truyện ngắn của Nhất Mạt Hương 22/10/2023 - 12:31

Mợ về làm dâu ông bà ngoại từ khi nào tôi không nhớ. Chỉ biết, ngày bé mỗi lần về quê ngoại, sau bà thì mợ luôn là người tôi tìm gặp và mong gặp nhất.

Vừa nhìn thấy tôi, thể nào cũng là tiếng reo vui mừng: “Về bao giờ thế con? Có mỏi không? Xuống vườn mà lùng quả đi!”. Niềm vui hiện rõ trong ánh mắt và tiếng nói của mợ truyền sang tôi, sang cả những bước nhảy chân sáo chạy xuống vườn dưới.

minh-hoa-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Và đến trưa, thể nào chờ đón tôi cũng là mâm cơm đậm chất vườn nhà. Cá dưới ao, gà trong chuồng, trứng vịt nuôi đẻ và rau vừa mới hái. Cơm của mợ sao bao giờ cũng nóng hổi và ngon lạ lùng. Mợ vừa ăn cơm vừa trông chừng sân thóc hay đám mạ mới gieo ngoài sân, có khi lại phải chạy lên chạy xuống với đàn lợn đang réo rắt trong chuồng hay mấy con vịt le te bên luống rau. Mỗi lần như thế cậu lại khó chịu gắt: “Cứ để đấy! Ăn đi! Ăn để người khác còn ăn chứ!”. Thấy cậu vô lý mà không biết và không dám nói sao. Tính cậu vẫn vậy, giống bao đàn ông trong làng, khó tính, gia trưởng, thích thể hiện, gắt gỏng với vợ trước mặt người khác...

Cậu lấy lý do sức yếu nên chỉ chuyên tâm với mấy cái đục, cái cưa, nhưng với người ngoài thì dễ tính nên đóng đồ cho người ta chán chê cũng chẳng lấy được tiền hoặc lấy được rồi có khi lại vui trong bữa rượu, lại cho người khác vay. Thỉnh thoảng có món kha khá thì nổi hứng mua cái gì đó không thật cần thiết. Vậy là gánh nặng kinh tế đương nhiên đặt lên vai mợ - đôi vai gầy guộc, nhỏ bé nhưng dẻo dai vô cùng. Đôi vai ấy hết vác cày bừa, lùa trâu ra đồng mỗi vụ, làm đất rồi lại nhổ mạ, gánh phân, đi cấy. Hết đồng rộng đến đồng sâu, hết vụ cấy lại đến vụ gặt.

Tôi thắc mắc, sao mợ không thuê bớt? Thuê thì còn được bao nhiêu, công nhiều mà giá thóc rẻ. Lấy đâu tiền chi tiêu và đóng học cho các em. Mợ trả lời đơn giản rồi lại cắm cúi với nắm mạ trong tay, những bước chân bì bõm trên mặt ruộng. Tôi đứng ngây người giữa chiều gió, một phần vì đau lưng, một phần không hiểu mợ lấy đâu ra sức lực và sự kiên trì như thế với những mùa vụ liên miên và những mảnh ruộng bất tận. Đất đồng quê ngoại còn khá rộng nhưng xấu. Có những chỗ mợ lội ngập ngang người, mạ cao gấp đôi bình thường, rút và cắm được một rảnh mạ là cả một sự tính toán và kinh nghiệm mà chắc chỉ có những người lăn lộn, hì hụi bao năm với đồng đất mới làm được.

Vì thế, tôi về quê chơi chẳng mấy khi thấy mợ ngơi tay. Kể cả khi không phải mùa vụ. Cả một khu vườn rộng bên dưới được ông ngoại trồng đủ các loại cây ăn quả, mùa nào thức nấy. Hằng ngày vào chiều muộn, mợ tranh thủ trẩy, lúc thì sung, sấu, khi lại mít, khế, bưởi..., để sáng sớm hôm sau mang lên chợ huyện. “Hơi xa nhưng bán được giá, vì bán ở nhà rẻ lắm, có khi bận để quả rụng đầy gốc”. Vườn trên, mợ cuốc, cào đổ đất trồng rau, làm giàn. Đủ các loại rau củ quả, tha hồ ăn đổi bữa. Tôi hay thơ thẩn bên những cây mồng tơi giống Trung Quốc to, mọc thẳng hay lơ đãng dưới giàn đỗ ván giữa nắng trưa, quên cả lời mợ giục rửa rau nhanh không nước sắp sôi rồi.

***

Ông ngoại tôi - một giáo viên, hiệu trưởng về hưu, rất chịu khó nhưng nguyên tắc và cứng nhắc. Ông viết đầy khẩu hiệu, quy định treo khắp nơi, từ góc vườn, cửa bếp đến nhà vệ sinh ở cạnh cây sung bên bờ ao: “Dùng đồ xong phải để đúng nơi quy định”, “Không được trèo cây”, “Vệ sinh xong phải gạt tro”, “Ra khỏi vườn phải móc cửa”... Nhiều khi đàn cháu vô tình vi phạm quy định nào đó nhưng người bị nhắc nhở, phàn nàn nhiều nhất lại là mợ. “Sao chị cứ gắt gỏng với con cái thế? Trẻ con thì lúc nào cũng phải nhẹ nhàng”, “Chị lại quên móc cửa vườn để vịt gà vào dẫm nát rau rồi”, “Tôi đã bảo chị bao lần rồi. Ăn uống phải đúng giờ, sao giờ vẫn lọ mọ cái gì thế?”. Ông gọi con cái là anh chị - như nhân viên dưới quyền lúc còn đương chức. Tôi thầm nghĩ, mợ có ba đầu sáu tay với việc đồng, việc nhà cũng không thể lo nấu nướng kịp ăn uống đúng giờ ông quy định được...

Sau bữa ăn, ông lại yêu cầu: “Chị Sương nán lại đây để tôi kể cho nghe chuyện này”. Chuyện ở tận bên nước Đức, nói về tính kỷ luật và hậu quả nếu ta không tuân theo kỷ luật. Mợ lúc ấy mặc dù đang cuống quýt với đống bát đũa và nồi cám lợn dưới bếp cũng phải nán lại nghe ông giảng giải, đợi lúc ông lơ đãng hay cân nhắc các chi tiết thì mới nhẹ nhàng và nhanh nhẹn bê mâm đi. Nếu quay lại không thấy con dâu, thế nào ông cũng than thở: “Đấy, loáng cái đã không thấy. Thế này thì bao giờ mới tiến bộ được”. Tôi nghĩ thầm, mợ đâu cần phải học về tính kỷ luật bởi kỷ luật quan trọng nhất với mợ là làm thế nào để giải quyết hết công việc trong một ngày từ sáng sớm đến đêm khuya, mà không được phép ốm. Mợ ốm, chắc nhiều người ốm theo.

Đôi khi thầm hỏi, mợ có buồn không, có cảm thấy mệt mỏi với bao nhiêu gánh nặng hữu hình và vô hình bủa vây không? Hay mợ không có cả thời gian nghĩ đến điều đó. Nhưng tôi biết, mợ có một niềm an ủi và hy vọng lớn. Đó là hai đứa con ngoan ngoãn, chịu khó học hành. Không biết do được ông rèn cho nết học và nết chăm đọc sách hay do thương mẹ vất vả mà chúng rất có ý thức.

Thời gian và mùa nối nhau đi. Càng lớn tôi càng ít về quê ngoại, nhất là sau khi bà ngoại mất. Tôi đi học, ra trường, lấy chồng và sinh con.

***

Khi con gái được 3 tuổi, lần đầu tôi cho bé về quê chơi. Mợ đã lên chức bà mợ, vẫn nét vui mừng và ấm áp trong giọng nói ngày nào. Mợ có tuổi, yếu hơn nhưng mừng là công việc đã vãn. Đất ruộng bán bớt cho người ta làm khu công nghiệp. Mợ xin vào làm tạp vụ ở sân bay, làm hai ngày nghỉ một ngày, tranh thủ làm mấy sào ruộng lấy thóc ăn. Công việc đồng áng giờ không vất như xưa, có máy cày làm đất, tranh thủ cấy mấy buổi rồi tung thuốc diệt cỏ. Nhưng giờ giấc đi làm khá gắt gao nên mảnh vườn không còn được mợ chăm bẵm như trước. Ông đã già, thi thoảng mới xuống ngó. Những tấm biển quy định đã mục nát dần theo mưa nắng. Chỉ còn mấy cây ăn quả lâu năm gầy guộc chơ vơ bên bờ ao.

Hai em đã học đại học, đều các trường tốp đầu, đứa năm thứ nhất, đứa năm thứ tư. Về chơi không thấy mợ đầu tắt mặt tối như ngày nào nhưng sao trong mắt mợ đọng nét gì đó như ưu tư, vì thêm tuổi tác, vì nhà giờ quạnh quẽ hơn? Không hẳn, tôi như đọc thấy niềm nhớ đất đồng của mợ, nhớ những mùa vụ gối nhau đi suốt những tháng ngày mợ còn trẻ. Nhớ con trâu già vẫn buộc nơi góc vườn, nhẩn nha gặm cỏ rồi đến vụ lại theo mợ ra đồng. Tôi cũng nhớ dáng mợ gầy gò, nhỏ bé vác cả cái cày nặng, một tay đỡ đầu cày, tay kia cầm đầu chạc buộc mũi trâu. Hình ảnh đó theo tôi bao năm tháng thơ bé, nó vừa gợi nét gì vừa mạnh mẽ lại mong manh, xa xót. Nếu để xét danh hiệu ba đảm đang, tôi không ngại ngần đề cử mợ lên đầu bảng. Nhưng tôi cũng biết, mợ đâu có để ý đến những thứ đó.

Mợ tôi - người phụ nữ nông dân nhưng là mẹ của những kỹ sư, bác sĩ tương lai. Mợ tôi - người của đồng đất và luôn nặng lòng với đất với đồng. Mợ cũng như đất, chân chất và ấm áp, khiến trái tim tôi reo vui mỗi khi trở về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mợ Sương