Xưa và nay

Chùa Hưng Ký

Thủy Hương 02/07/2023 - 20:51

Chùa Hưng Ký (hay Võ Hưng Thiền Am tự; số 38B đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một ngôi chùa độc đáo. Ngôi chùa mang tên của người hưng công xây dựng là ông Hưng Ký, còn được biết đến là Trần Văn Thành - một Phật tử, thương gia thành đạt.

hung-ky.jpg

Được xây dựng vào năm 1932, chùa Hưng Ký mang dấu ấn kiến trúc cuối triều Nguyễn với đặc điểm nổi bật là những cấu kiện được gắn gốm men nhiều màu, đề tài chủ yếu là hoa văn, điển tích Phật giáo. Khuôn viên chùa rộng 3.000m2, bao gồm các công trình kiến trúc như tam quan, tam bảo, Phật điện, nhà tổ... Riêng khu chùa chính nằm trên khu đất rộng 2.000m2, gồm các hạng mục: Phật điện, bái đường kết nối với nhau tạo thành hình chữ “đinh” cùng các kiến trúc bao quanh tạo thành hình chữ “quốc”.

Tam quan chùa được xây kiểu gác chuông 2 tầng mái, 4 cột đồng trụ đỉnh chạm hình chim phượng, lồng đèn và đắp tứ linh. Từ trụ góc nối với tam quan tạo thành cổng chính và hai bên cổng phụ theo dạng ngũ môn. Các mặt trụ đều có câu đối chữ Hán, chữ Nôm bằng sứ tráng men màu. Phần cổ diêm chia ba ô đắp nổi hình tùng, cúc, trúc, mai và tranh phong cảnh. Chính giữa tam quan treo quả đại hồng chung, trên thân ghi hàng chữ Hán: “Võ Hưng Thiền Am chung”. Vòm tam quan phía trong có 4 chữ lớn đề: “Thị nhân giác độ”.

Qua sân rộng là tam bảo 7 gian, với 12 cột chính cao 7m, mái lợp ngói ống, đầu gắn chữ “thọ”. Đặc biệt, tại phần cổ diêm có trang trí các mảng gốm mang đề tài trong truyện “Tây Du Ký”, miêu tả 81 kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng.

Sau Phật điện là nhà bia hình vuông, mỗi chiều 4m, xây theo lối kiến trúc tứ trụ hai tầng mái. Ở phần cổ diêm giữa mái thượng và hạ đắp nổi các hình mô tả tích truyện Đường Tam Tạng đi lấy kinh, Thích Ca Mâu Ni tu hành đắc đạo và Quan Âm Thị Kính. Giữa nhà là tấm bia tạo bằng đá liền khối.

Trong khuôn viên chùa Hưng Ký còn có đình Tam Thánh và điện Mai Sau. Điện Mai Sau có tiền tế, thiêu hương, cung cấm, ngũ môn; trang trí các bức tranh đắp bằng sứ màu, như Bát tiên Nam Hải, tích chuyện Liễu Hạnh quy Phật, tượng bà Quế Nương, bà Nhị Nương, Thánh Thiên...

Giá trị chủ yếu của chùa Hưng Ký là kiến trúc và nghệ thuật trang trí trên kiến trúc, đặc biệt là việc sử dụng gốm nung phủ men nhiều màu sắc. Bên cạnh đó, chùa Hưng Ký còn bảo tồn hầu như nguyên vẹn những bức tranh ghép bằng sứ mang giá trị nghệ thuật độc đáo. Năm 1996, chùa Hưng Ký được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chùa Hưng Ký