Xưa và nay

Chuyện voi ở Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến 27/08/2023 - 06:37

Người Việt biết đến voi qua chuyện Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc Đông Hán năm 40. Sử chép, triều Tây Sơn và Nguyễn có các đội voi chiến với số lượng lên đến vài trăm. Hiện ở kinh thành Huế và mộ các vua Nguyễn có rất nhiều tượng voi. Thăng Long - Hà Nội rải rác cũng có các câu chuyện về vua cưỡi voi và voi chiến.

638281197731709870-den-voi-.jpg
Đền Voi Phục - một di tích liên quan đến voi ở Hà Nội. Ảnh: Internet

Trước đền Voi Phục, trấn Tây của “Thăng Long tứ trấn” có đôi voi đá trong tư thế quỳ. Tương truyền, khi hoàng tử Hoằng Chân lên đường ra trận đánh giặc Tống, một con voi đã quỳ xuống cho ngài cưỡi. Đánh thắng giặc Tống nhưng Hoằng Chân đã hy sinh. Cảm kích tấm lòng của hoàng tử, vua Lý Thái Tông phong làm Linh Lang đại vương, cho xây đền thờ ở đất làng Thủ Lệ. Loại bỏ yếu tố truyền thuyết thì thời Lý, Thăng Long đã có voi chiến.

Xưa vua dạo chơi, đi tuần thường cưỡi voi. Thời Nguyễn, vua Minh Mạng cấm các nhà mặt phố ở Hà Nội không được làm cao hơn kiệu voi. Vua ngồi trên lưng voi an toàn hơn, không sợ thích khách sát hại vì khi có người lạ đến gần, con voi hiền lành bỗng trở nên hung dữ, nó có thể dùng vòi quật chết người lạ. Vua cưỡi voi nên con voi cũng được cưng chiều. Tương truyền thời Lý, làng Giấy (nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) có nhiều ruộng, quản tượng thường đem voi của vua đến đây chăn.

Một lần, con voi lội xuống bờ sông Tô Lịch không may bị sa lầy rồi chết. Vua đổ cho thần hoàng của làng là công chúa thời tiền Lý đánh voi chết và bắt dân làng phải đổ tiền vào con voi giấy. Nhưng làng nghèo nên chỉ đổ đầy một chân voi, vua cho dân các làng bên cạnh đền thay rồi cắt ruộng của làng Giấy cấp cho các làng đó. Ở làng Yên Phụ cũng có chuyện tương tự, một con voi chiến bị sa lầy ở ven hồ Tây nên Yên Phụ bị triều đình phạt vạ.

Đại Yên (nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình), một trong 61 phường của kinh thành Thăng Long, có gò đất cao nhốt voi chiến của triều đình gọi là núi Voi (nay là Nhà máy Bia Hà Nội). Những con voi chiến ở đây đã tham gia trận đánh quân Nguyên Mông ngày 17-1-1258 ở Bình Lệ Nguyên (nay là thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) do vua Trần Thái Tông chỉ huy. Một địa danh khác ở Hà Nội thời Lê từng là trường huấn luyện voi chiến, đó là làng Quảng Bá (nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ). Voi được luyện tập để dạn dĩ với tiếng nổ, chiêng trống bốn phía, lửa cháy để khi ra trận sẽ không hoảng loạn bỏ chạy.

Trong cuốn “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài” ("Histoire du royaume de Tonquin", xuất bản năm 1651), Alexander de Rhodes viết: “Chúa Trịnh ở xứ Đàng Ngoài nuôi hơn 300 con voi lớn. Mỗi con mang trên lưng một cái tháp có thể chứa được tới 6 - 7 người chưa kể quản tượng. Một số con còn mang cỗ đại pháo”.

Trong cuốn “Mô tả vương quốc xứ Đàng Ngoài” ("Description of the kingdom of Tonqueen", 1683), Samuel Baron cũng mô tả về voi chiến ở Thăng Long. Ông này làm ở thương điếm Anh tại Thăng Long, có cha là người Hà Lan, mẹ là con gái Thăng Long. Tuy nhiên, sử Việt và sách của người phương Tây không chép xuất xứ của những con voi này và quản tượng là người vùng nào nên chỉ có thể suy đoán voi và quản tượng đều ở Lào.

Tôn Sĩ Nghị, quan đại thần của nhà Thanh (Trung Quốc) trước khi đem quân qua Đại Việt đã biết về sức mạnh các đội tượng binh của Nguyễn Huệ. Ông ta đã tổng kết kinh nghiệm của tiền nhân đưa vào trong 8 điều quân luật, bắt chỉ huy và lính nắm chắc để chống tượng binh của quân Tây Sơn. Thế nhưng trong trận Hà Hồi (nay thuộc huyện Thường Tín) ngày 3 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), voi chiến đã làm quân Thanh trong đồn hỗn loạn, phải phá vòng vây tháo chạy. Sau đó có tiếp viện nhưng đồn Hà Hồi vẫn thất thủ.

Thời vua Minh Mạng, Bắc Hà chỉ còn 100 thớt voi chia đều ở 5 tỉnh: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Sơn Tây. Đội voi chiến ở Hà Nội gọi là “Hà Nội tượng cơ”. Voi và quản tượng đưa từ Tây Nguyên, Lào và Campuchia ra Bắc Hà. Đến thời vua Tự Đức, Hà Nội vẫn còn đội tượng binh. Khi voi luyện tập, lính trong đội phải đi cắt cỏ, bẻ cành cây cho voi ăn. Lúc nghỉ ngơi, voi được nhốt trong thành. Hằng ngày, quản tượng dẫn voi ra ngoài thành chăn.

Chiều về, quản tượng dẫn voi ra hồ tắm nên dân gọi là hồ Voi (nay là vườn hoa Lê Nin). Năm 1882, thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội. Sau đó, một số voi bị đưa vào vườn Bách Thảo, số còn lại được quân Pháp dùng cho các trò giải trí. Họ thả đồng tiền xu dưới đất rồi bắt quản tượng điều khiển con voi dùng vòi lấy đồng xu đó lên. Con voi nào lấy được đồng xu trước thì được thưởng bó mía, còn quản tượng được thưởng tiền.

Ngày nay, voi chỉ còn thấy ở đoàn xiếc và công viên Thủ Lệ với mục đích giải trí. Giá như có thêm vài dòng chú thích về việc voi ở Việt Nam xưa đã tham gia chiến đấu chống giặc ngoại xâm thì ý nghĩa hơn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện voi ở Hà Nội