Cõi tiên nơi trần thế

Bảo Ngọc| 22/12/2022 07:34

(HNMCT) - Những ngày này, không gian đình Nam Hương (số 75 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) giới thiệu tới người yêu nghệ thuật Hà Nội "một cõi tiên nơi trần thế". Mở cửa từ ngày 16-12-2022 đến ngày 28-2-2023, triển lãm “Cõi tiên” của nhóm họa sĩ trẻ là học trò của thạc sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn (giảng viên khoa Các khoa học liên ngành, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) có thể coi là không gian thứ 5 của dự án nghệ thuật “Hồn nhiên như cô tiên” (sau không gian “Mơ tiên”, “Vườn tiên”, “Diều tiên” và “Rồng tiên”).

Triển lãm “Cõi tiên” tại đình Nam Hương (số 75 Hàng Trống, Hoàn Kiếm) thu hút đông đảo người xem.

Không gian nghệ thuật phù hợp

Những ai theo dõi dự án “Hồn nhiên như cô tiên” từng dự triển lãm tại 22 Hàng Buồm (Hà Nội) sẽ có cái nhìn so sánh khi tham quan triển lãm “Cõi tiên”. Điều mà nhiều người cảm nhận được là không gian ở đây ấm cúng hơn, có cảm giác các họa sĩ như được trở về chính ngôi nhà của mình.

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế (giảng viên khoa Các khoa học liên ngành, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “So với triển lãm tại 22 Hàng Buồm thì ý đồ nghệ thuật ở triển lãm này hài hòa hơn, có thể là do các họa sĩ có nhiều thời gian chuẩn bị; không gian nhỏ hơn nên không có cảm giác “đuối sức”. Rõ ràng là trong triển lãm này, họa sĩ quen với chất liệu nào thì làm với chất liệu ấy, các tác phẩm có sự tiếp nối liền mạch. Điều đó thể hiện tính chuyên nghiệp của người làm nghệ thuật khi có được sự ổn định và nhất quán. Các tác phẩm không bị “ngợp” trong không gian trưng bày. Đặc điểm của nghệ thuật Việt là sẽ phát huy tốt ở trong không gian nhỏ, gần gũi".

Quan sát các tác phẩm tại không gian đình Nam Hương, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định, dự án của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn và các học trò được tổ chức trên địa bàn quận luôn thu hút đông đảo người xem.

“Trong thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã tiến hành tu bổ đình Nam Hương trở thành điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thu hút nhiều du khách đến tham quan. Những triển lãm đương đại này đã giúp người dân cũng như du khách hiểu thêm về giá trị văn hóa Hà Nội, đặc biệt là khi Hà Nội đã được UNESCO ghi danh Thành phố sáng tạo” - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.

Thông điệp về ước mơ, cuộc sống

Là tác giả của các tác phẩm “Xuân hoa thu nguyệt”, “Đêm thu tháng Tám”, “Cõi tiên” tại triển lãm, họa sĩ Bùi Kim Hiền cho rằng, cô tiên có lẽ không còn là hình tượng xa lạ đối với người Việt. Từ khi còn nhỏ, chị đã được nghe những câu chuyện thần kỳ về cô tiên vừa đẹp vừa giỏi vừa tài năng, thần bí... Nó khiến chị mải miết đi tìm mà quên đi rằng quanh mình có nhiều nàng tiên đặc biệt hơn thế. Đó chính là bà, là mẹ, là ông, là bố, là gia đình, những người dẫn lối đưa chị đến với cuộc sống tươi đẹp này, làm điểm tựa vững chắc cho chị.

“Đó chính là lý do khiến tôi mang đến triển lãm này các tác phẩm mang hơi hướng đời thường dung dị của con người, những cặp đôi trai tài gái sắc kèm cảnh vật đẹp mà tạo hóa ban tặng như ánh trăng đêm thu, sắc hoa ngày xuân... Vẻ đẹp mộng mị khiến ta xiêu lòng mà tìm về nơi được ví như tiên cảnh. Các tác phẩm cho người xem niềm hy vọng, nguồn năng lượng tích cực, cảm giác bình yên, tiếp thêm nhựa sống cho ta trước muôn vàn áp lực trong nhịp sống hiện đại” - họa sĩ Bùi Kim Hiền chia sẻ.

Tác phẩm “Tỉnh mộng” với chất liệu sơn mài lại mang đến cho người xem một cảm nhận khác. Họa sĩ Lê Thị Hải Yến, tác giả của "Tỉnh mộng" nói rằng, thông qua tác phẩm, chị muốn thể hiện hình tượng người phụ nữ giữa áp lực từ cuộc sống đời thường, công việc và tình yêu. Hình ảnh vô số mặt trăng rơi và làn sương khói mờ ảo miêu tả một thế giới không có thật, trong đó nhân vật trốn chạy vào thế giới ấy và dần chìm đắm trong đó. Thật may là bên cạnh cô ấy vẫn có những người bạn tốt, giúp cô nhận ra ý nghĩa cuộc sống và giá trị của bản thân. Mặt trăng phía trước và những cô tiên thể hiện hy vọng, ánh sáng niềm tin vào những cố gắng của cô khi đã thức tỉnh. “Cõi tiên” giống như một thế giới hạnh phúc mà con người luôn ao ước, khao khát được sống trong đó.

“Tôi hy vọng người xem có thể phần nào hiểu được ý nghĩa tác phẩm và đón nhận thông điệp: “Hãy quý trọng những người tốt với mình, quý trọng bản thân, những phẩm chất, giá trị của riêng mình. Đừng chạy theo những điều viển vông, mơ mộng quá nhiều mà hãy cố gắng sống và phát triển thật tốt để có một tương lai hạnh phúc vững bền” - họa sĩ Lê Thị Hải Yến bộc bạch.

Mang đến triển lãm tác phẩm lụa mang tên “Áng mây”, họa sĩ Hoàng Việt Hương cho rằng, từ xa xưa, hình ảnh cô tiên đã xuất hiện khá nhiều trong hội họa, kiến trúc... Tuy nhiên, theo thời gian, hình tượng đó dần phai nhạt và đến lớp trẻ hiện nay, rất ít người tìm hiểu về hình ảnh này để phục vụ cho việc sáng tác.

"Trong quá trình sáng tạo, tôi thường đề cập đến những giá trị về văn hóa, truyền thống của dân tộc. Tác phẩm “Áng mây” sử dụng chất liệu quen thuộc, kết hợp với cách tạo hình cô tiên hiện đại, lồng ghép họa tiết mây đặc trưng trong tranh dân gian Hàng Trống, với mong muốn gắn kết giá trị truyền thống và hiện đại. Để bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị truyền thống trong xã hội hiện đại, theo tôi, cách hiệu quả nhất chính là gắn kết, lồng ghép những giá trị xưa và nay để thế hệ trẻ hiểu và đón nhận, chung sức giữ gìn" - họa sĩ nói.

Nối dài dự án

Chia sẻ về lý do chọn đình Nam Hương làm nơi tổ chức triển lãm, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, không gian nơi đây có nét của ngôi đình làng, mà hình tượng tiên nữ chủ yếu xuất hiện trên mảng chạm khắc của đình làng. Không gian ấy như cõi tiên, mảnh đất của tiên.

“Triển lãm này là sự nối dài dự án “Từ truyền thống đến truyền thống”, dựa vào truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc  để tôn vinh yếu tố truyền thống của mỹ thuật Việt Nam trong không gian đương đại. Vẫn là chất liệu lụa, sơn mài, giấy dó... nhưng ở đây không có gì mặc định là truyền thống. Truyền thống được tiếp biến, được nối dài qua thực hành đương đại, điều đó giúp cho giá trị truyền thống được nhìn nhận rõ ràng hơn, dễ dàng hơn” - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn gợi ý.

Cũng theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn thì các triển lãm trong khuôn khổ dự án “Từ truyền thống tới truyền thống”, “Tranh Hàng Trống”, “Hổ dạo phố” và giờ đây là “Cõi tiên” sẽ giúp không gian đình Nam Hương trở nên gần gũi với luồng sinh khí mới.

“Nói rộng ra, công nghiệp văn hóa góp phần tạo thêm điểm đến thú vị cho du khách địa phương và quốc tế. Hơn 20 tác phẩm được trưng bày ở đây làm cho không gian nghệ thuật trở nên năng động hơn, khác với "không gian an toàn" như ở bảo tàng. Để nối dài dự án, trong thời gian tới chúng tôi sẽ phát hành cuốn lịch tiên. Điều đó, cùng với cuốn sách “Tinh hoa mỹ thuật truyền thống hình tượng tiên nữ” (NXB Giáo dục Việt Nam) của Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, giúp lan tỏa hình tượng tiên rồng, một phần không thể thiếu của dự án nghệ thuật "Hồn nhiên như cô tiên” - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cõi tiên nơi trần thế