Để Hà Nội ngày càng xanh - sạch - đẹp: ''Cơn sóng lớn'' thức tỉnh mọi người

Hoàng Lan| 24/04/2022 06:10

(HNMCT) - Chuyện chặt cây, bẻ cành, vứt rác, khạc nhổ bừa bãi... là tệ nạn gây nhức nhối, phản ánh lỗ hổng lớn trong văn hóa ứng xử, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường. Sau rất nhiều nỗ lực của Thành phố cùng sự giúp sức của những cá nhân, tập thể có chung mong muốn rằng Hà Nội sẽ ngày càng xanh - sạch - đẹp, người dân Thủ đô đã dần nhận thức rõ ứng xử hài hòa với môi trường là nội hàm quan trọng của văn hóa.

Ý thức trong việc sống thân thiện với môi trường đang dần được nâng lên, nhất là trong giới trẻ. Ảnh: Thái An

Hành vi ứng xử chưa đẹp

Trong ký ức của nhiều người, Hà Nội là một thành phố xanh được bao bọc bởi nhiều sông ngòi, ao hồ trong mát... Thế nhưng, với sự bùng nổ về dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh, những lá phổi xanh, ao hồ rộng lớn đã phải nhường chỗ cho các khu đô thị mới, kênh mương được “cống hóa”, cây xanh không kịp phủ theo tốc độ phát triển đô thị. Hậu quả là tình trạng ô nhiễm ở khắp nơi, từ ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm mặt nước và “ô nhiễm” ngay trong văn hóa ứng xử với môi trường.

Rất dễ bắt gặp không ít người dân tiện tay vứt rác trên vỉa hè, những túi rác “rơi” từ trên xe bus, ô tô cá nhân hay từ nhà cao tầng... xuống lòng đường. Rác được vứt... ngay cạnh thùng rác, dưới chân biển “Cấm xả rác”, “Nói không với vứt rác bừa bãi”, “Không vứt rác nơi công cộng”... Tâm lý “sạch nhà, bẩn ngõ” khiến những chỗ trống, xa nhà một chút đều “biến” thành bãi rác công cộng.

Theo thống kê mới đây, Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng, xả thải đồ nhựa và túi nilon nhiều nhất thế giới. Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon/ngày.

Góp phần làm ô nhiễm môi trường còn là lượng khói tỏa ra từ các lò nung, lò luyện gang thép của các khu công nghiệp, các lò than quạt từ quán ăn, tiếng ồn quá mức của các xưởng cơ khí, gió cuốn theo bụi cát từ các công trường xây dựng, các xe chở vật liệu không được che đậy..., khiến người Thủ đô ra đường đều phải đeo khẩu trang, bịt khăn kín mặt...

Rèn nếp sống mới

“Đừng cho ống hút nhựa vào ly của tôi nhé", câu nói này nếu ở thời điểm vài năm trước chắc hẳn sẽ làm nhiều người ngạc nhiên. Thế nhưng, hiện tại điều này không còn xa lạ. Tại Hà Nội, hiện có rất nhiều quán cà phê và khách hàng hưởng ứng trào lưu “sống xanh” bằng những hành động thiết thực. Ống hút nhựa được thay bằng ống hút tre, ống hút inox. Túi nilon được thay bằng túi giấy, túi vải.

Tại All Day Coffee, lâu nay trong menu của quán đã in thông điệp giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ môi trường: "100% đồ uống phục vụ kèm ống hút giấy, mềm hơn ống hút nhựa và thân thiện với môi trường". Đồng hành cùng All Day Coffee, những cái tên như Fruity Fact, Yifang Tea đã giảm giá 10 - 20% cho khách hàng mang theo bình nước cá nhân. Quán Cùi Dìa (phường Giảng Võ, Ba Đình) sử dụng ống hút bằng tre, cỏ; đồ uống mang về được đựng trong bình thủy tinh... Ý thức "sống xanh” đang dần trở thành một "cơn sóng lớn" thức tỉnh mọi người thay đổi suy nghĩ và biến "sống xanh” đã trở thành phong cách sống mới.

Tiên phong hưởng ứng phong trào "sống xanh” là thế hệ trẻ. Họ đang thể hiện mối quan tâm và trách nhiệm của mình bằng nhiều cách, rõ nhất là qua những chiến dịch về môi trường cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời thực. Có thể thấy, những chiến dịch về môi trường nổi bật trên các mạng xã hội đã thu hút các bạn trẻ tham gia, như #Nostrawchallenge - kêu gọi không sử dụng ống hút bằng nhựa; #Noplasticbag - kêu gọi sử dụng túi cói, túi giấy thay cho túi nilon... Có rất nhiều dự án làm sạch môi trường của các bạn trẻ, như “Sen trong phố” - biến những bãi rác tự phát thành vườn hoa, “Keep Hanoi Clean” - làm sạch những bờ kè sông quanh Hà Nội, “Green Life - Đổi rác lấy quà”, “Lake project" - bảo vệ, giữ gìn vệ sinh hồ...

Các cấp hội, đoàn thể của Thành phố cũng đã tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như Thành đoàn Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo, tổ chức nhiều đợt ra quân làm sạch môi trường, vệ sinh đường làng, ngõ phố, làm sạch mặt nước ao, hồ, nạo vét kênh, mương... Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội đã tổ chức triển khai có hiệu quả phong trào “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác phế thải ra đường, nơi công cộng”, “Chống rác thải nhựa”, “Đổi phế liệu giữ màu xanh”, “Tái chế - Tái sử dụng - Tiết kiệm”, “Công sở xanh”, “Sử dụng làn đi chợ”, “Biến chân rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản"..., góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt về cảnh quan đô thị, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của các tầng lớp nhân dân.

Hoạt động vệ sinh môi trường, phân loại rác tại nguồn của Hội Phụ nữ huyện Đông Anh.

Khơi dòng văn minh từ những điều nhỏ bé

Cách đây hơn chục năm, Thành phố Hà Nội đã phát động phong trào "Toàn dân không vứt rác ra đường”. Khi ấy, nhiều người nghi ngờ rằng đây là một “nhiệm vụ bất khả thi” bởi thay đổi nhận thức không phải là vấn đề “ngày một ngày hai”. Nhưng cho đến nay bộ mặt ngõ, xóm đã có nhiều đổi khác.

Chị Phạm Tuyết Lan (ngõ 71 phố Tân Ấp, quận Ba Đình) cho biết: “Trước đây khu phố Tân Ấp trông rất bẩn. Đường nhỏ, lầy lội mà người dân thì vứt rác vô tội vạ. Bây giờ, tuy vẫn là ngõ nhỏ nhưng rất sạch sẽ, không còn các bãi rác tự phát. Ngay ở ngõ này, trước đây nhiều nhà hay mang rác ra chất đống, mùi hôi thối bốc lên và nước bẩn chảy ra ngõ, ruồi muỗi bâu đầy... Nhưng bây giờ, chỉ khi có kẻng báo xe rác đến thì các gia đình mới mang rác ra. Mọi người nhắc nhau không đổ rác ra đường nên ngõ phố luôn sạch sẽ”.

Những chuyển biến tích cực từ ý thức người dân cho thấy, công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường là vô cùng quan trọng. Sau cuộc phát động phong trào "Toàn dân không vứt rác ra đường”, Thành phố Hà Nội còn ban hành nhiều văn bản nhằm cổ vũ người dân ứng xử hài hòa với môi trường sống. Ngày 1-2-2017, Nghị định số 155/2016/ NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực.

Theo Điều 20 của Nghị định này, các hành vi đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định; vứt mẩu thuốc lá bừa bãi, vứt rác thải ở vỉa hè sẽ bị xử phạt rất nặng. Cụ thể như, người vứt/ gạt đầu mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; tiểu tiện, đại tiện bậy bạ bị phạt 1 - 3 triệu đồng; xả rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, khu thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt 3 - 5 triệu đồng; đặc biệt, nếu xả rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thì bị phạt từ 5 - 7 triệu đồng.

Cũng trong năm 2017, trong nội dung những điều không nên làm được nêu trong Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Thành phố cũng ghi rõ: Không xả rác thải, chất thải bừa bãi; không phá cây xanh, hoa, cỏ, xâm hại cảnh quan...

Những nỗ lực khơi dậy lề lối ứng xử văn minh được thể hiện qua những việc làm hằng ngày của người dân, từ đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định đến phân loại rác tại nguồn, tránh sử dụng các sản phẩm từ nhựa... Những điều giản dị này góp phần tạo nền văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong đời sống cộng đồng.

Đà tiến bộ đã có, nhưng để hình thành thói quen ứng xử văn minh bền vững thì không thể dừng lại ở hành động tuyên truyền, vận động, mà cần tạo ra một môi trường mới để mỗi cá nhân không có cơ hội tiếp xúc, tái diễn những thói quen cũ. Chính vì thế, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long nhấn mạnh: “Có xử lý nghiêm hành vi vi phạm thì người dân mới không “nhờn” luật, từ đó thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử có văn hóa với môi trường sống. Đặc biệt, ý thức của người dân trong việc sống thân thiện với môi trường cần được nâng lên, qua đó tạo thói quen, nếp sống mới để Hà Nội ngày càng đẹp - xanh - sạch”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để Hà Nội ngày càng xanh - sạch - đẹp: ''Cơn sóng lớn'' thức tỉnh mọi người