Dị Nậu vươn mình đi lên

Nguyễn Mai| 03/03/2023 06:30

(HNM) - Là xã có nghề mộc phát triển, cho thu nhập cao nhưng ở Dị Nậu (huyện Thạch Thất), người dân không sao nhãng việc đồng ruộng. Vừa phát triển ngành nghề, vừa phát triển sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân Dị Nậu ngày càng khấm khá hơn. Vươn mình đi lên, mới đây, Dị Nậu đã được thành phố đánh giá đủ điều kiện để xét, công nhận xã nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Sản xuất đồ mộc dân dụng tại xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất). Ảnh: Minh Phú

Thu nhập cao từ nghề truyền thống

Nằm trong cái nôi của vùng đất nghề Thạch Thất, Dị Nậu là một trong những xã sản xuất đồ mộc nổi tiếng của Hà Nội. Các cụ cao tuổi kể rằng, ban đầu người Dị Nậu chỉ có nghề thợ xây, sau này mới làm thêm nghề mộc và mỗi năm nghề này lại ngày càng phát triển. Năm 2002, Dị Nậu đã chính thức được UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) cấp Bằng công nhận làng nghề truyền thống.

Những người thợ tài hoa, khéo léo ở Dị Nậu vừa đóng tủ thờ, án gian, tủ chè, sập gụ vừa đóng các sản phẩm mộc dân dụng như cầu thang, cửa, bàn ghế… Hầu hết sản phẩm được làm từ gỗ tự nhiên như gụ, hương, sồi, tần bì, xoan đào, mít… nên đẹp và có độ bền rất cao. Anh Nguyễn Huy Ninh, chủ cơ sở sản xuất mộc gần trụ sở UBND xã Dị Nậu cho biết: Gia đình tôi có ba lao động chính chuyên làm cửa và cầu thang cho các công trình dân dụng. Giữ uy tín bằng chất lượng sản phẩm nên “người nọ” mách “người kia” tìm đến đặt hàng, việc quanh năm chẳng hết.

Còn gia đình anh Nguyễn Đăng Lợi (xã Dị Nậu) lại chuyên làm hàng gia công cho các xưởng trong làng. Ở Dị Nậu hiện nay, các hộ làm nghề sản xuất theo “dây chuyền”, mỗi gia đình làm một công đoạn để tạo ra sản phẩm một cách nhanh và rẻ. “Gia đình tôi chuyên làm chân ghế, có các loại máy móc hỗ trợ nên độ chính xác rất cao. Sản phẩm được xưởng mộc khác trong làng đưa về hoàn thiện thành bộ bàn ghế như ý”, anh Nguyễn Đăng Lợi cho biết.

Hiện tại, Dị Nậu có 358 hộ sản xuất đồ mộc, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Chủ tịch UBND xã Dị Nậu Vũ Thị Hà cho biết, tạo điều kiện cho các hộ làm nghề, xã đã triển khai xây dựng cụm công nghiệp làng nghề để đưa sản xuất ra khỏi khu dân cư, qua đó giảm ô nhiễm môi trường và tăng sự chuyên nghiệp, giúp làng nghề ngày càng phát triển tốt hơn.

Cùng với nghề mộc, Dị Nậu còn có 1.500 lao động làm nghề xây dựng, 69 hộ kinh doanh vận tải, 150 hộ buôn bán nhỏ lẻ… Ngành nghề phát triển, thu nhập bình quân năm 2022 của xã đạt 82 triệu đồng/người.

Nghề nông vẫn được coi trọng

Ở các vùng quê khác, nếu có nghề phụ phát triển, người dân thường không mấy mặn mà với sản xuất nông nghiệp thì tại xã Dị Nậu, nghề nông vẫn rất được coi trọng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sở dĩ như vậy là bởi địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất giúp nông dân tiết kiệm sức lao động...

Dị Nậu có 215ha đất canh tác, trong đó có 160ha lúa/vụ. Chủ tịch UBND xã Dị Nậu Vũ Thị Hà thông tin: Xã đã chỉ đạo Hợp tác xã Nông nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ cao và các biện pháp kỹ thuật mới SRI, quản lý dịch hại tổng hợp IPM vào sản xuất nên năng suất và sản lượng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Với vụ đông, xã động viên, khen thưởng các hộ dân có diện tích trồng vụ đông từ 3 sào trở lên để nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, không bỏ ruộng hoang. Chính vì vậy mà vụ đông vừa qua, trên cánh đồng Dị Nậu những ruộng khoai tây, đu đủ, rau màu đã phủ xanh diện tích 25ha (đạt 100% kế hoạch).

Trên các cánh đồng Đồng Nhồ, Ngoài Xa… là những ruộng đu đủ xanh mướt, bắt đầu ra quả. Ông Nguyễn Huy Trung ở thôn Tam Nông (xã Dị Nậu) phấn khởi cho biết: “Gia đình chúng tôi trồng 4 sào đu đủ, mỗi sào được 90 gốc, sản lượng bình quân 20kg/cây. Đu đủ là cây dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc. Làm ruộng, mỗi năm cho thu nhập thêm vài chục triệu đồng, chủ yếu tôi vẫn dành thời gian để làm nghề truyền thống ở gia đình”.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dị Nậu Nguyễn Phong, Dị Nậu là xã có nghề, thu nhập chính của người dân từ nghề mộc và kinh doanh dịch vụ, do vậy đơn vị tham mưu cho xã đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để giảm sức lao động và tiết kiệm chi phí sản xuất. Vụ xuân 2023, xã đã đưa máy cấy vào sản xuất trên diện tích 30ha. Hợp tác xã vừa làm đất, vừa cung cấp mạ, cấy và thêm cả việc phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị không người lái. Do đó với người dân sản xuất nông nghiệp đã trở nên nhẹ nhàng hơn, chi phí cũng thấp hơn. Nếu như 1 sào cấy tay công thuê là 570 nghìn đồng thì cấy máy chỉ hết 320 nghìn đồng. Với rau màu, hợp tác xã cũng hỗ trợ làm đất và chăm sóc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất. Đến nay, Dị Nậu đã có sản phẩm rau an toàn, đu đủ VietGAP được bán trên các kênh thương mại điện tử...

Đất có nghề và người dân không sao nhãng việc đồng ruộng là cả một câu chuyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa sản xuất…ở Dị Nậu. Việc này rất cần được nhân rộng tại các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dị Nậu vươn mình đi lên