(HNMCT) - Sài Đồng xưa là một ngôi làng nông nghiệp trù phú, tên nôm là làng Sài, thuộc xã Cự Linh, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh (trấn Kinh Bắc).
Đình Sài Đồng được xây dựng cách đây nhiều thế kỷ, nay thuộc ngõ 247B đường Nguyễn Văn Linh (phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội). Đình là nơi thờ Linh Lang Đại vương - con trai của vua Lý Thánh Tông, người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076. Ngài được dân làng Sài Đồng và 269 làng khác trên địa bàn Hà Nội phụng thờ.
Đình làng Sài Đồng có kết cấu kiểu chữ “Đinh”. Tòa đại bái gồm 3 gian 2 dĩ, quay hướng tây nam, nhìn ra một giếng tròn rồi đến sân gạch và cổng nghi môn. Tòa đại đình 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, tiếp đó là phương đình nối với hậu cung là tòa nhà một gian, hai bên là tả - hữu mạc rộng 4 gian. Trước cổng đình có một hồ dài chạy dọc theo quốc lộ 5. Đây nguyên là ruộng chúa Trịnh cấp cho dân làng làm hương hỏa thờ phụng thần Linh Lang.
Sau này, hầu hết cánh đồng của các làng xung quanh bị lấy để xây sân bay Gia Lâm, phần ruộng còn lại của Sài Đồng được đào đến sát đình để đắp nền nên sinh ra hồ. Trong đình Sài Đồng hiện còn lưu giữ 1 bản thần tích, 12 đạo sắc phong, ngai rồng, bài vị, 9 chiếc đài bằng đồng bên trong đặt 9 chén bạc, 1 bộ bát bửu, 2 quán tẩy chạm rồng phượng, 1 đôi hạc đứng trên lưng rùa, 1 ông phỗng bằng gỗ có từ thế kỷ XVIII...
Lễ hội đình Sài Đồng hằng năm được tổ chức từ mùng 7 đến 12 tháng Hai, có nhiều trò chơi độc đáo. Sáng mùng 7, dân làng tổ chức bao sái và lễ rước nước long tỉnh (nước thiêng từ giếng rồng) ở giếng Nghè. Sáng mồng 8 là chính hội, dân làng tế phụng nghênh rước bài vị, bát hương lên đình. Mỗi giáp phải chuẩn bị một "ông ỉ" (lợn) để tế Thánh và rước ngai, bài vị từ nghè về đình. Đoàn kiệu bát cống gồm 16 người luân phiên rước cùng cờ quạt, bát âm, chấp kích, bát bửu. Không thể thiếu là màn múa sư tử - điệu múa “vũ trụ”, thể hiện cho bầu trời vần vũ để sinh khí tràn về cho muôn loài sinh sôi, phát triển. Buổi tối mùng 8 mùng 10 là lễ tế Hàn âm và hát ca trù, hát chèo. Trong ngày mùng 8, chạ anh Mai Phúc sẽ xuống chạ em Sài Đồng làm lễ Thánh. Ngày 13 là lễ tế xuân đóng cửa đình.
Đình Sài Đồng được công nhận Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia năm 1992.