Hà Nội 360

Họa sĩ Bùi Việt Dũng: Ngẫu hứng mà kỹ lưỡng

Thúy Đinh thực hiện 10/09/2023 - 09:53

Họa sĩ Bùi Việt Dũng nguyên là giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, trưởng chuyên ngành tranh hoành tráng và điêu khắc, đồng thời là họa sĩ phụ trách trình bày Tạp chí Kiến trúc.

Từ khi nghỉ hưu, anh chuyên tâm sáng tác hội họa. Nếu như những bức tranh vẽ trên chất liệu tổng hợp thể hiện cái nhìn dứt khoát, táo bạo của Bùi Việt Dũng thì với tranh lụa, anh mang đến cho người xem sự khoáng đạt và vẻ thâm trầm chứa đựng triết lý phương Đông.

hoa-si-d.jpg
Họa sĩ Bùi Việt Dũng.

- Thưa họa sĩ Bùi Việt Dũng, từ khi về hưu, anh chuyên tâm sáng tác và tham gia các triển lãm. Và có một điều đặc biệt là đề tài người phụ nữ Việt Nam trong lao động luôn trở đi trở lại trong sáng tác của anh?

- Mới đây, trong triển lãm nhóm “Giao hòa - Thu 2023”, tôi đã giới thiệu những bức tranh với chủ đề “Giao hòa” có kích thước khá lớn 2m x 1m với chất liệu tổng hợp. Tôi thai nghén đề tài này từ 13 năm trước, từ khi làm những tác phẩm tranh in độc bản. Khi ấy, tôi hình dung mình có thể bao quát, từ trên cao nhìn xuống các không gian ở thành thị, nông thôn.

Với loạt tranh “Giao hòa”, tôi sử dụng những hình chóp nón - tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong lao động: Lúc cheo leo trên những vách núi nhìn xuống khoảng ruộng bậc thang, lúc xen lẫn trong dòng chảy tấp nập nơi phố thị. Một cách sâu xa, đó là thân phận người phụ nữ Việt Nam trong không gian thiên nhiên, khi họ luôn tìm kiếm, vượt lên, giao hòa, hiển thị trên tất cả mọi không gian để có thể tồn tại vì những điều tốt đẹp hơn, để thành công hơn.

hoa-si-1.jpg
Một tác phẩm của họa sĩ Bùi Việt Dũng.

Người phụ nữ Việt trong tâm tưởng của tôi luôn gắn liền với sự đảm đang, tranh đấu mạnh mẽ nhưng lại hiền dịu, cần cù chịu khó… Tôi không vẽ hình người phụ nữ thực mà thông qua hình tượng chiếc nón để đưa ra hình ảnh người phụ nữ theo cách nhìn của mình. Với tôi, hình tượng người phụ nữ luôn đẹp và không bút nào có thể tả được bằng những đường nét cụ thể.

- Những bức tranh lụa của Bùi Việt Dũng mang đến cho người xem sự trầm mặc, cổ kính khiến họ cảm thấy dường như lại được bắt gặp một cái tôi khác của anh?

- Tôi vẽ phong cảnh với chất liệu lụa, không gian mở. Trước đây tôi thường cùng bạn bè đi đến nhiều nơi có phong cảnh đẹp. Những kỷ niệm ấy đã đi vào tranh một cách tự nhiên. Tôi vẫn nhớ kỷ niệm khi đến đầm Lập An, bên kia là Đà Nẵng, bên này là Huế. Đối với tôi, khung cảnh ở đầm Lập An đẹp khó tả, đặc biệt là trong những buổi bình minh hay chạng vạng tối.

hoa-si-2.jpg
Một tác phẩm của họa sĩ Bùi Việt Dũng.

Mọi người vẫn nghĩ tranh lụa của tôi là vẽ khô, nhưng không phải. Thực tế, nếu vẽ khô thì không bao giờ có tranh lụa đẹp bởi nó sẽ không trong. Vẽ tranh lụa là phải rửa lụa, thậm chí rửa liên tục để nó không có ngấn, không có gợn của màu ở ranh giới giữa lụa và thành nét vẽ. Phải như thế thì tranh lụa mới tạo cảm giác “mơ”.

Trên thực tế, vẫn có người vẽ tranh lụa theo kỹ thuật vẽ khô, nhưng tôi thì không. Mỗi bức tranh lụa tôi thường rửa 30 - 40 lần. Mỗi lần lên màu mới tôi đều rửa, có thể dùng ngón tay để di qua, làm cho đường viền không còn nữa. Lụa không phải là chất liệu khó nhất nhưng mất công nhất. Để vẽ được một bức tranh lụa đến nơi đến chốn thì rất lâu.

- Vẽ lụa truyền thống cùng lúc đòi hỏi sự kiên nhẫn và sự ngẫu hứng. Có gì mâu thuẫn ở đây không, thưa họa sĩ Bùi Việt Dũng?

- Với tranh của tôi, sự ngẫu hứng là ở trong đầu. Tôi không vẽ nhanh, mà luôn có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Nhiều người ngạc nhiên vì tôi không uống rượu khi vẽ dù người ta cho rằng cần phải có chất men thì mới dễ bay bổng, dễ phiêu. Tôi không thích cái phiêu ấy! Sự ngẫu hứng ở trong đầu, mình ghi nhớ hình tượng vào thời điểm mà mình nghĩ ra nó. Còn khi thể hiện ý tưởng thành tác phẩm thì cần sự kỹ lưỡng. Tôi không ngẫu hứng theo kiểu thích gì vẽ nấy.

- Là một giảng viên, đồng thời lại có sự tính toán kỹ lưỡng trong sáng tác như anh vừa tâm sự. Vậy trong hành trình sáng tạo, anh có lắng nghe ý kiến từ bạn bè, đồng nghiệp hay tìm kiếm sự đồng cảm từ công chúng để hoàn thiện tác phẩm?

- Ước ao lớn nhất, sự theo đuổi lớn nhất của người họa sĩ là cái đẹp. Cái đẹp trong mắt mỗi người khác nhau. Nếu cái đẹp trong mắt cá nhân được đông đảo công chúng công nhận thì đó là sự thành công. Với riêng người họa sĩ, mỗi tác phẩm đã là một sự thành công. Bởi khi anh buông bút xuống có nghĩa là anh phải hài lòng với tác phẩm của mình, không bị tác động bởi tư duy về cái đẹp của người khác. Tuy vậy, mỗi tác phẩm mới ra đời là một sự phiêu lưu, bởi tác phẩm có được người xem tiếp nhận hay không còn do rất nhiều yếu tố.

- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Bùi Việt Dũng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Bùi Việt Dũng: Ngẫu hứng mà kỹ lưỡng