1. Đức Lý Thái Tổ đã chọn nơi có “núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông nước, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiếm, rộng mà dài...” làm đất định đô muôn đời cho con cháu, đặt tên là Thăng Long (rồng bay lên). Mảnh đất mang sứ mệnh kinh sư, mang tinh thần Thăng Long ấy là nơi bốn phương hội tụ, lắng hồn núi sông, kết tinh, lan tỏa những hệ giá trị tinh hoa của người Việt, nước Việt.
Một trong những giá trị trường tồn “hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây” là tinh thần Thăng Long, là khí phách người Hà Nội. Tinh thần ấy, khí phách ấy được kết tinh trong chiều dài lịch sử của “Thăng Long bách chiến thành” và đọng mãi trong tâm thức của dân tộc.
Kinh sư của bất cứ quốc gia nào cũng là nơi trọng yếu, là mục tiêu hàng đầu của thế lực gây chiến. Cũng vì vậy, Thăng Long - Hà Nội ở nhiều thời điểm đã trở thành chiến trường có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh dân tộc. Và mỗi lúc cam go ấy, khí phách Thăng Long lại ngời sáng.
Lịch sử Việt Nam ngàn năm vọng vang những tiếng hô “sát thát” hừng hực khí thế Đông A bên bến Đông Bộ Đầu, khiến vó ngựa Mông - Nguyên tung hoành qua nhiều châu lục phải bao phen “chồn ngựa đá”, quỵ ngã trước tinh thần Đại Việt. Lịch sử cũng khắc ghi câu chuyện người dân kinh thành cùng đoàn binh của vua Quang Trung ập vào thiêu cháy đồn Đống Đa, khiến tướng nhà Thanh khiếp sợ mà tự vẫn, quân binh kinh hoàng, bỏ chạy thoát thân... Để rồi “mây tạnh mù tan trời lại sáng”, “kinh đô vẫn thuộc núi sông ta”...
Người Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc. Mùa đông năm 1946, theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh những chàng trai, cô gái hào hoa, thanh lịch đã bước vào cuộc chiến trường kỳ với lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh!”. “Phố giăng chiến lũy, đường xuyên chiến hào”, người Hà Nội quật cường, quả cảm ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch, giành giật từng góc phố, nóc nhà. Giam chân quân viễn chinh Pháp trong lòng thành phố 60 ngày đêm với vũ khí thô sơ, nhiều thanh niên, thiếu niên đã anh dũng ngã xuống giữ trọn vẹn lời thề của người Hà Nội.
Trong cuộc đụng đầu lịch sử với không quân Mỹ 12 ngày đêm tháng 12-1972, khí phách Hà Nội một lần nữa lại lay động trái tim nhân loại. Hơn 10.000 tấn bom trút xuống, 1.600 người chết, nhiều nhà ga, trường học, bệnh viện, khu dân cư bị phá hủy... Đau thương, uất hận, nhưng Hà Nội vẫn điềm tĩnh một dáng hình dũng cảm, một ý chí kiên cường. “Ở đây chỉ thấy quyết tâm và hy sinh, chỉ thấy một thái độ nghiêm trang” - một nhà báo nước ngoài đã viết như vậy. Trong lửa đạn sáng trời Hà Nội, “rồng lửa Thăng Long” quật đổ nhào pháo đài bay Mỹ. Một Hà Nội anh hùng và lãng mạn trở thành biểu tượng của lương tri nhân loại, phẩm giá con người. Khí phách Hà Nội là như vậy! Với nhiều người đi qua “một thời đạn bom, một thời hòa bình” thì hình ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà bên xác B-52 Mỹ là biểu tượng đẹp nhất về một Hà Nội trữ tình và chiến thắng. Hình ảnh ấy cũng thể hiện cô đọng tâm hồn người Hà Nội.
2. Tâm hồn người Hà Nội làm nên khí phách người Hà Nội. Và khí phách người Hà Nội luôn ẩn chứa một tâm hồn hào hoa, nhạy cảm thẩm thấu từ nền văn hiến ngàn đời của Thăng Long - Hà Nội. Tâm hồn ấy “mộc mạc thôi”, có thể cảm nhận nhưng rất khó tìm đến tận cùng.
Giới văn chương, nghệ thuật đã tốn không ít giấy mực để “chưng cất”, “lột tả” tâm hồn người Hà Nội. Với những bài thơ giàu hình tượng đi cùng năm tháng, mỗi người có thể cảm nhận cái “chất” rất riêng - “chất” của người Hà Nội. Đó là những chàng lãng tử “chưa trắng nợ anh hùng”, để lại “cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng” bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc với tâm thế “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…”. Đó là những “mái đầu xanh” phơi phới tâm thế đi “Phơi nắng gió và hoa ngàn cỏ dại”, “Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”...
Tâm hồn Hà Nội thể hiện một cách dung dị, cô đọng qua những trang nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm và một thế hệ người Hà Nội xếp bút nghiên lên đường ra trận. “Từ trong gian khổ mới hiểu rõ hơn giá trị của những người cách mạng. Ai đứng vững trong lửa đỏ và nước sôi, người đó là người chiến thắng” (Đặng Thùy Trâm). Và trong sự khắc nghiệt đến tàn bạo của đạn bom vẫn lắng đọng một tâm hồn lãng mạn: “Đêm trắng trong là đêm của em/ Đèn thành phố và sao trời lẫn lộn/ Đêm của anh xếp kín đầy bom đạn/ Pháo sáng chập chờn trộn trạo với sao sa” (Nguyễn Văn Thạc). Tâm hồn người Hà Nội trong thử thách ác liệt nhất giữa sự sống và cái chết đã làm nên một giá trị cao đẹp - giá trị nhân văn, giá trị con người.
Trong bộn bề cuộc sống của kinh tế thị trường thời hội nhập, nhiều người lo lắng cho tâm hồn người Hà Nội - “chất” Hà Nội với những lãng mạn, hào hoa, chất nghệ sĩ và kẻ sĩ của người Hà Nội sẽ phôi phai, khuất lấp bởi lối sống thực dụng và văn hóa du nhập. Điều đó là có cơ sở nhưng “chất” Hà Nội, tâm hồn người Hà Nội thì vẫn như những mạch ngầm thao thiết chảy trong lòng thành phố. Biểu hiện rõ nét là cách người Hà Nội biến con đê ven sông Hồng trở thành con đường gốm sứ, được ghi danh kỷ lục Guinness thế giới; biến những vòm cầu nặng nề, thô kệch bao nhiêu năm oằn mình trên phố Phùng Hưng trở thành những bức tranh tường lộng lẫy...; là sức sáng tạo văn hóa không bờ bến để tạo nên những không gian, những sản phẩm đậm chất Hà Nội...
Tâm hồn người Hà Nội chất chứa trong từng ngôi nhà, con phố, giữa cuộc sống đời thường, trong ứng xử hằng ngày mà không lẫn vào đâu. Mỗi người yêu Hà Nội đều có thể tìm thấy, cảm nhận điều đó ở bất cứ nơi nào trong thành phố đáng yêu này. Đất văn hiến ngàn đời Thăng Long - Hà Nội đã tạo nên khí phách anh hùng và tâm hồn nghệ sĩ trong mỗi con người nơi đây. Có thể nói rằng, “chất” Hà Nội đã tạo nên những giá trị văn hóa riêng có của người Hà Nội và trở thành thương hiệu Hà Nội.
3. Thăng Long - Hà Nội mang trong mình sứ mệnh kinh sư muôn đời của đất nước, là nơi hội tụ nuôi dưỡng trí tuệ, tài năng của dân tộc Việt Nam, nơi tiếp nhận tinh hoa văn hóa cả nước và nhân loại. Vì vậy, người Hà Nội không chỉ thẩm thấu văn hiến ngàn đời mà còn có nhu cầu cao về tiếp nhận tri thức, phát triển tài năng. Khí phách, tâm hồn người Hà Nội được hình thành và nuôi dưỡng trên nền tảng đó. Và, khí phách ấy, tâm hồn ấy đã góp phần tạo dựng một thành phố nên thơ mà anh hùng với những con người hào hoa mà quả cảm.
Bàn về khí phách người Hà Nội, tâm hồn người Hà Nội trong những khuất lấp hôm nay để thấy rõ hơn trách nhiệm gìn giữ, khôi phục nét đẹp đã trở thành bản sắc Hà Nội, từ đó, tái lập hệ thống tính cách người Hà Nội trong bối cảnh mới. Đặc biệt khi Hà Nội đứng trong mạng lưới 246 thành phố sáng tạo của UNESCO và hướng tới một mô hình phát triển kinh tế - đô thị mới, được thúc đẩy bởi thiết kế sáng tạo.
Tinh thần Thăng Long sẽ là ngọn đuốc soi sáng “trí tuệ xanh” để khí phách, tâm hồn người Hà Nội tạo nên động lực mới đưa thành phố thân yêu của chúng ta vững bước vào tương lai!