Kiêu Kỵ giàu lên nhờ làng nghề

Nguyễn Mai| 16/12/2022 12:02

(NSHN) - Xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) có 2 nghề là dát vàng bạc quỳ truyền thống hơn 300 năm tuổi và nghề mới là may đồ da, giả da. Hiện cả xã Kiêu Kỵ có hàng trăm doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh hiệu quả, hàng nghìn hộ dân có việc làm và thu nhập cao, đời sống các hộ dân trong xã ngày một đổi thay.

 Nghề may da đang tạo việc làm và thu nhập cao cho rất nhiều lao động, hộ sản xuất ở Kiêu Kỵ.

Nghề cũ, nghề mới cùng phát triển

Phấn khởi nhắc tới nghề truyền thống của quê hương, Bí thư Chi bộ thôn Kiêu Kỵ Nguyễn Xuân Dũng cho biết, nghề dát vàng, bạc, quỳ ra đời ở Kiêu Kỵ cách đây hơn 300 năm do cụ Tổ nghề Nguyễn Quý Trị truyền dạy. Đây là nghề độc nhất vô nhị ở nước ta, lưu truyền, gìn giữ đến ngày nay.

Trước Cách mạng Tháng Tám, nghề dát vàng bạc quỳ ở Kiêu Kỵ khá phát đạt. Làng cung cấp vàng quỳ cho hầu hết công trình tín ngưỡng cung đình để dát lên tượng Phật, ngai vàng, hoành phi, câu đối, kiệu rước, tranh sơn mài… Trải qua năm tháng chiến tranh, nghề gần như bị mai một, dân làng chuyển sang làm nghề sản xuất đồ dùng bằng da và giả da. Đến thời kỳ đổi mới, các công trình văn hóa, di tích lịch sử được khôi phục, xây dựng mới, rất cần đến vàng quỳ nên các hộ dân ở Kiêu Kỵ đã nhanh chóng khôi phục và phát triển lại nghề. Hiện, cả thôn có nhiều hộ chuyên kinh doanh vàng quỳ; nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn, có hàng chục thợ làm việc.

Tại nhà của Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Chung lúc nào cũng nhộn nhịp với hàng chục lao động miệt mài thao tác các công đoạn của nghề truyền thống. Ông Chung bật mí, nghề dát vàng bạc quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ kiên trì, có kỹ thuật. Một người thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng dàn mỏng thành tấm lá vàng có diện tích hơn 1m². Để làm được như vậy, người thợ quỳ vàng phải đập khoảng một giờ liên tục với hơn 400 nhát búa. Đến giai đoạn cuối, khi gỡ vàng trả khách, người thợ phải làm việc trong phòng kín, đeo khẩu trang vì chỉ cần vô ý thở mạnh vàng cũng bay tung.

 Sản xuất túi da ở Kiêu Kỵ.

Cũng bởi là làng nghề độc nhất vô nhị nên người thợ thếp vàng bạc ở rất nhiều làng nghề tạc tượng, khắc hoành phi, câu đối, hoặc làm hàng sơn mài như: Sơn Đồng, Vũ Lăng, Hạ Thái (Hà Nội); Mai Động, Đồng Quang (Bắc Ninh); Liên Minh, Cát Đằng (Nam Định)… đều tìm đến Kiêu Kỵ để đặt hàng.

Khác với nghề dát vàng bạc quỳ, nghề may da mới xuất hiện ở Kiêu Kỵ từ những năm 1990 đến nay nhưng có sức phát triển khá nhanh, mang lại thu nhập cao cho người dân. Bí thư Chi bộ thôn Kiêu Kỵ Nguyễn Xuân Dũng cho biết, hiện nay Kiêu Kỵ có khoảng 60 chủ hộ sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động và nhiều hộ kinh doanh phụ kiện như cung cấp nguyên vật liệu, thiết kế mẫu, marketing tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm... Từ may da, mỗi năm, các cơ sở đưa ra thị trường hàng triệu sản phẩm các loại gồm cặp, ba lô, túi xách, giày dép giả da cung cấp cho thị trường trong nước và bước đầu có sản phẩm xuất khẩu. Doanh thu từ nghề may da và kinh doanh phụ kiện khác ở Kiêu Kỵ chiếm khoảng 60-65% tổng thu nhập toàn xã.

Với kinh nghiệm và kỹ thuật tinh xảo, các hộ gia đình ở Kiêu Kỵ còn nhận sơn son, thếp vàng, làm mới đồ thờ cũ.

Cải tiến sản phẩm, hiệu quả cao hơn

Cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm dát vàng bạc quỳ của Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Chung nằm ngay trên trục đường chính của thôn với hàng trăm sản phẩm thếp vàng tinh xảo làm bừng sáng cả không gian căn phòng. Ông Chung cho biết, nếu như ngày xưa, người Kiêu Kỵ chỉ dát vàng bạc quỳ rồi cung cấp cho các làng nghề sơn thếp thì hiện nay, hầu hết các gia đình ở Kiêu Kỵ đều đi học nghề và thành thạo các công đoạn sơn son, thếp vàng để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh từ A đến Z. Nhờ đó, thu nhập từ nghề truyền thống ngày một cao hơn. “Gia đình tôi có hơn 20 lao động nhận thi công, trùng tu tất cả những hạng mục liên quan đến dát vàng, dát bạc công trình đình chùa, nhà thờ; ngoài ra, tôi thếp vàng cho sản phẩm đồ lưu niệm, bình gốm sứ; thếp vàng lên tranh tứ quý, tranh chữ; thậm chí là cả thếp vàng cho bộ trường kỷ… Với những sản phẩm tinh xảo, giá sản phẩm đưa ra thị trường rất cao”, ông Chung nói.

Với nghề may da, các hộ cũng đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm bền chắc, mẫu mã đẹp hơn. Theo anh Phạm Quốc Công, một hộ có xưởng may da lớn ở xã, trước đây sản phẩm của gia đình sản xuất và đưa buôn tại chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm) thì đến nay hầu hết được sản xuất theo đơn đặt hàng.

Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ Đinh Văn Giảng cho biết, có nghề  truyền thống dát vàng bạc quỳ và nghề may da phát triển, xã đã chỉ đạo Hợp tác xã công nghiệp quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ và Hội dát vàng bạc quỳ hằng năm phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho con em địa phương. Hiện, Hợp tác xã công nghiệp quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ hoạt động hiệu quả, có 5 sản phẩm đã được công nhận OCOP 4 sao. Năm 2022, Hợp tác xã tiếp tục đăng ký tham gia OCOP 5 sản phẩm dát vàng, gồm: Tượng Trần Quốc Tuấn, bát sen, trống đồng, điếu cày, hổ phụ sinh hổ tử. Mong muốn của địa phương tham gia chương trình để chứng minh về sự độc đáo của sản phẩm, qua đó, làng nghề sẽ được nhiều người dân biết và lựa chọn, giá trị sản phẩm được nâng cao...

 Cửa hàng giới thiệu sản phẩm dát vàng của Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Chung, xã Kiêu Kỵ.

Đối với nghề may da, các hộ sản xuất đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và khu vực lân cận. Ở Kiêu Kỵ, hầu hết đều nhập nguyên liệu da từ thành phố Hồ Chí Minh, sau đó tiến hành đo, cắt sản phẩm theo kích cỡ khách đặt hàng. Ngày trước, các hộ làm nghề này đều thủ công nhưng hiện nay, với việc đầu tư các loại máy khâu hiện đại nên thời gian hoàn thiện sản phẩm nhanh hơn. Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, các cơ sở cũng đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động trong thiết kế cải tiến mẫu mã sản phẩm.

Kiêu Kỵ có làng nghề truyền thống, bên cạnh đó có khu đô thị Vinhomes Ocean Park, có trục đường 5B chạy qua nên hệ thống giao thông thuận lợi cho sản xuất, phát triển làng nghề, thương mại dịch vụ. Hiện, bình quân thu nhập trên địa bàn xã đạt 72,6 triệu đồng/người/năm. Từ năm 2019 đến nay, xã không còn hộ nghèo, chỉ còn 7 hộ cận nghèo, chiếm 0,2%. Kinh tế làng nghề phát triển đã và đang góp phần đưa Kiêu Kỵ đủ điều kiện để được thành phố xét công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2022. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiêu Kỵ giàu lên nhờ làng nghề