Làng nghề Hà Nội hóa giải thách thức để hội nhập

Nguyễn Mai| 06/01/2021 06:33

(HNM) - Tháng 8-2020, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta, trong đó có doanh nghiệp ở các làng nghề. Song, bên cạnh những thuận lợi, thách thức cũng không nhỏ, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp, làng nghề ở Hà Nội nỗ lực hóa giải để hội nhập.

Kiểm tra sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ).

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc. Ước tính, khu vực làng nghề tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động; giá trị sản xuất đạt khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD, trong đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm. Nhiều sản phẩm làng nghề của Hà Nội như: Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre giang đan Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), sơn mài Duyên Thái (huyện Thường Tín)... đã được xuất khẩu tới nhiều quốc gia.

Theo phân tích của Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh: Hiệp định EVFTA tác động đến nhiều lĩnh vực. Các sản phẩm làng nghề nói chung và sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng đều nằm trong diện được miễn thuế, giúp làng nghề đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Liên minh châu Âu (EU), không giới hạn về mặt thuế quan và định lượng. Thực tế, các nhà nhập khẩu nước ngoài tìm đến các nước sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng nhiều. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tiếp cận thị trường nhanh hơn, số lượng nhiều hơn…

Tuy vậy, thách thức đặt ra đối với các làng nghề Hà Nội hiện nay cũng không ít. Tiến sĩ Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Làng nghề Việt Nam nhận xét: Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng mẫu mã còn đơn điệu, có sự khác biệt về yếu tố văn hóa giữa phương Đông và phương Tây... khiến sản phẩm khó tiếp cận thị trường EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp làng nghề Hà Nội và cả nước còn đối mặt với thách thức từ rào cản kỹ thuật, an toàn thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc xuất xứ khắt khe… Là doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu, ông Nguyễn Hữu Thức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu (Tổng công ty Thương mại Hà Nội) cho biết: Thực tế đang đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết, thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh...

Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng, các doanh nghiệp, làng nghề cần chủ động, tích cực hơn trong tìm hiểu quy định hàng rào kỹ thuật thương mại của châu Âu để đáp ứng yêu cầu; đồng thời, doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA. Việc tìm hiểu về các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan sẽ giúp doanh nghiệp định vị lại vị trí, vai trò, tái cấu trúc các thị trường, nguồn cung ứng, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ và tiêu chuẩn kỹ thuật của EU...

Để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các làng nghề, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Trần Sỹ Tiến cho biết, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng cao chất lượng sản phẩm. Sở Công Thương Hà Nội cũng phối hợp cơ quan chức năng biên soạn “Hướng dẫn vận dụng quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại thế hệ mới” phục vụ việc tra cứu về cam kết thuế quan của các nước đối tác và quy tắc xuất xứ mặt hàng xuất khẩu của Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề Hà Nội hóa giải thách thức để hội nhập