Những hạt bụi vàng lấp lánh

Hoàng Lan| 21/08/2020 19:14

(HNMCT) - Hà Nội đang vươn mình mạnh mẽ trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại. Nhiều người đã lo ngại cái gấp gáp, xô bồ ấy sẽ làm chìm khuất văn hóa Tràng An, niềm tự hào của người Hà Nội. Nhưng may mắn cho mảnh đất kinh kỳ, văn hóa Hà Nội, cái “chất” Hà Nội được hun đúc từ lối cư xử tinh tế, thanh lịch vẫn tồn tại như những hạt bụi vàng lấp lánh, một thứ giá trị bất biến, âm thầm tỏa hương để làm nên cốt cách thị dân Hà Nội xưa và nay.

Chung tay vì môi trường xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Vũ Tiến Huy

1. Hình ảnh người Hà Nội, từ xưa đến nay đã được khắc họa qua rất nhiều tác phẩm nghệ thuật từ tản văn, truyện ngắn, thơ ca đến nhạc họa... Điều giúp định nghĩa người Hà Nội chính xác nhất vẫn là tính cách, nếp sống của mỗi người mà người ta gọi chung là văn hóa người Hà Nội. Cái văn hóa ấy được hun đúc qua chiều dài lịch sử, trở thành lớp trầm tích đáng quý, niềm tự hào của người Hà Nội hôm nay.

Tựu trung lại, đã là người Hà Nội thường có những đặc điểm chung, như nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân, người có gần 70 năm tìm hiểu về Hà Nội, sinh thời đã chỉ ra: “Trước hết là ở lời nói. Người Hà Nội dùng ngôn ngữ chuẩn xác, thanh âm mẫu mực, không quen những từ thô tục, sỗ sàng. Họ biết nhún mình, tôn trọng người khác, mềm mỏng mà không thớ lợ, tài hoa mà không khoe khoang, biết rộng mà không làm cao, biết "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Người Hà Nội lịch sự trong cách ăn mặc. Trang phục, trang sức ưa sự gọn gàng, trang nhã, tề chỉnh, cách tân tinh tế, đủ độ lộng lẫy, kiêu sa. Họ thích diện, thích đổi mốt làm đẹp cho mình và cho phố phường nhưng không cầu kỳ, khoe của và biết nâng cái đẹp đồng hành với cái nết. Người xưa ra đường là áo dài chỉnh tề. Khách đến chơi, chủ nhà giữ lễ tôn trọng, lui vào thay đồ tươm tất mới ra tiếp...”.

Có lẽ vì phẩm chất thanh lịch đáng quý ấy mà danh xưng người Hà Nội luôn là một niềm tự hào và hình ảnh người Hà Nội luôn gắn với vẻ đẹp văn hóa truyền thống của mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Viết về người Hà Nội, trong tác phẩm Đi tìm một tính cách Hà Nội, nhà văn, nhà báo Trần Chiến đã có quan sát tinh tế thế này: "Tạm lấy một cái đặc điểm thô kệch nhất làm căn cứ, là đã cư trú ba bốn đời ở Hà Nội, có thể thấy được những cái gọi là tính cách chung. Như giao tiếp nhỏ nhẹ, không ăn to nói nhớn. Dù từng cá nhân có thể quá khép nép hay quá hài hước, lối tỏ ra của họ có chừng mực, không vồ vập mà ý nhị... Dù rủng rỉnh hay nghèo kiết, họ khá khó tính trong thưởng thức văn học nghệ thuật, ăn, uống, mặc, chơi... Họ ăn kỹ, bát phở phải có lá mùi, miếng cá kèm thì là, rất trọng gia vị, không thích bún riêu thả trứng đèo cả thịt bò với nem tai kẻo mà mất vị tanh đi...".

Trong thơ Phan Vũ, người Hà Nội hiện lên bằng nét hào hoa khi "những gót son dập dìu đại lộ", bằng "bờ môi ai, đậm đỏ bích đào", bằng "Màu thanh thiên lẫn trong liễu rủ/ Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa"...

Cứ thế, trải qua bao biến thiên của lịch sử, người Hà Nội cùng nết ăn, nết mặc và cái cốt cách thanh lịch, hào hoa đã tồn tại trên những áng văn thơ đẹp đẽ và đáng tự hào như thế.

2. Thế nhưng cũng chính nhà văn Trần Chiến khi chứng kiến biết bao vật đổi sao dời trên mảnh đất nghìn năm này cũng từng thốt lên rằng ông "thương Hà Nội". "Thương Hà Nội" vì cùng lúc Hà Nội có "hai quá trình thành thị hóa nông thôn và nông thôn hóa thành thị cứ cuồn cuộn song hành", khi "trong gia đình "Hà Nội mới" trưởng giả, con cái hùng hục híp hóp chát chít trong khi ông bố chồm hỗm hai chân trên sô pha xỉa răng chanh chách...". 

Điều nhà văn Trần Chiến lo xa không phải là không có lý bởi nếp sống, lối sống không phải là một điều gì bất biến. Thời kỳ kinh tế thị trường, bộ mặt phố phường đã không còn nhiều dấu vết của một đô thị êm đềm, nhuần nhị, kín đáo hàng trăm năm trước. Sự ganh đua theo vòng quay cơm áo cùng áp lực từ dòng người nhập cư khiến dân số Hà Nội tăng dần theo cấp số nhân, văn hóa vì thế cũng đã ít nhiều bị pha tạp, nét thanh lịch của người Hà Nội ít nhiều phôi pha.

Cái xô bồ, bỗ bã, dung tục xuất hiện ngày một nhiều hơn, thậm chí kể cả ở nơi những người có học cũng dễ dàng buông ra những lời nói tục tằn. Nhiều cô gái Hà Nội ngày nay ăn mặc phô trương, chẳng còn nền nã, tế nhị, kín đáo như xưa nữa. Không hiếm gặp cảnh nam thanh, nữ tú ăn uống cười đùa ngả ngốn, gác chân lên ghế, nâng cốc bia ngửa cổ tu, bọt bia tràn qua mép một cách bất nhã... Ra đường bây giờ dễ có cảm giác như người Hà Nội lúc nào cũng vội, không ít người phớt lờ quy định đội mũ bảo hiểm, sẵn sàng lấn làn, vượt đèn đỏ, thậm chí kể cả đi ngược chiều, “phi” xe lên hè phố, cốt sao nhanh hơn người khác. Ấy là chưa nói đến hiện tượng xả rác, phóng uế bừa bãi. Chuyện ứng xử kém văn minh ở nơi công cộng, không tuân thủ pháp luật, không tôn trọng cộng đồng từ lâu đã trở thành vấn nạn nhức nhối trong đời sống xã hội ở Thủ đô.

Trước sự ngang nhiên, ào ạt tấn công của nhiều luồng văn hóa ngoại lai, nhiều người lo ngại chất thanh lịch, mềm mỏng, nho nhã của người Hà Nội sẽ chỉ còn thấy ở lớp người già nua, cũ kỹ. Ví họ như “cà cuống đồng”, nhà văn Phan Thị Vàng Anh xót xa khi thấy mỗi ngày họ một vắng bóng “biến đâu hết”, để rồi “thỉnh thoảng bắt được một bà/ một ông/ một con mà tưởng như bắt được linh hồn của một thời...”.

3. Tuy nhiên, đáng mừng đó chỉ là một bộ phận nhỏ. Tĩnh tâm quan sát sẽ thấy, đâu đó giữa ồn ã phố phường văn hóa Hà Nội vẫn tồn tại trong cộng đồng thị dân như một giá trị bất biến. Cái “chất Hà Nội” vẫn âm thầm, bền bỉ trong nhiều nếp nhà. Có thể quan sát thấy điều ấy ở một nơi công cộng như quán bia hơi trên hè phố, văn hóa Hà Nội vẫn được nhìn nhận khi “Vài người sống ở Hà Nội chưa đủ lâu sẽ cùng đứng lên quanh bàn bia hô một... hai... ba... dzô đầy hào hứng, nhưng quan sát kỹ sẽ thấy trong cái xô bồ hỗn tạp nọ vẫn có vài người im lặng ngẫm ngợi đầy tha thứ... ” (Có một Hà Nội chưa xa... - Đỗ Phấn).

Đó là những bà cụ phong thái sang trọng, nền nã thảng hoặc chúng ta vẫn bắt gặp khi đi qua phố Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Gai... Là lớp con cháu những gia đình “tứ đại đồng đường” giờ vẫn sống trên con phố cổ Lãn Ông, dù nhà có điều kiện cũng không chơi bời lối giàu xổi, đến bữa cơm vẫn ngồi cùng một bàn... Từ những bữa cơm quây quần như thế, những bài học về đối nhân xử thế, trên kính dưới nhường vẫn được trao đổi thường xuyên. Là câu chuyện một bà bán chè long nhãn hạt sen cách đây vài năm bên con ngõ nhỏ phố Hàng Khay. Gia tài của cụ là một cái bàn bé xíu, nhưng những cốc chè luôn sạch sẽ, giấy ăn được xếp gọn gàng và khi cốc chè mang ra sẽ là thứ long nhãn được gỡ khéo, bọc vừa vặn hạt sen ninh nhừ, cầu kỳ, chuẩn vị Hà thành, đi kèm với đó là phong thái nền nã trong từng cử chỉ... Là bình dị thôi, nơi lam nham vỉa hè, rêu mốc ngõ hẹp ấy, văn hóa Hà Nội, chất thị dân của người “phố Hàng” sẽ dễ dàng bắt gặp trong cái dáng nhẩn nha nhấm nháp ly cà phê sánh đặc trong một quán quen, khuất lấp và yên ắng. Ở đó, qua làn khói mờ bay lên từ ly cà phê pha khéo, tiếng “dạ”, “thưa” vẫn điềm đạm được thốt ra trong câu chuyện đời thường, bằng lối ứng xử nho nhã, lịch thiệp... Đó là nền nếp được truyền qua nhiều đời, vẫn còn giữ được cho đến ngày nay.

Cũng vì còn những người như thế mà may mắn thay hồn cốt Hà Nội không mất đi. Những gia đình sinh sống đủ lâu ở đất này tự biết cách học hỏi nền nếp nghiêm chỉnh và đào thải thói xấu. Đó cũng là lý do mà cho dù sự đổi thay là tất yếu thì trong nhịp điệu mới, nếp sống của người Hà Nội vẫn khiến cho mỗi chúng ta và cả những du khách bốn phương cảm nhận được cái hồn cốt phố xưa ở một đô thị hơn nghìn tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những hạt bụi vàng lấp lánh