Trên cánh đồng Gióng ở thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng, Hợp tác xã Green Farm Mê Linh đang triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ. Bà Trần Thùy Liên - thành viên hợp tác xã cho biết, vụ lúa xuân 2023 là vụ đầu tiên hợp tác xã thực nghiệm sản xuất cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 10ha bằng giống lúa chất lượng cao Japonica của Nhật Bản. Toàn bộ quy trình sản xuất được hợp tác xã áp dụng cơ giới hóa và theo hướng hữu cơ, như: Sử dụng máy móc vào gieo cấy; chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ bằng hệ thống tự động có điều khiển từ xa (flycam). Sau vụ này, hợp tác xã sẽ đánh giá hiệu quả để mở rộng quy mô sản xuất…
Tương tự, không khí sản xuất vụ xuân tại các cánh đồng của xã Liên Mạc cũng rất khẩn trương. Chủ tịch UBND xã Liên Mạc Nguyễn Văn Tình cho biết, vụ này, toàn xã gieo cấy hơn 490ha lúa xuân với giống lúa chủ lực là Japonica và TBR225. Đến ngày 13-2, người dân đã cấy được 250ha, đạt 53% diện tích. UBND xã đang tập trung tuyên truyền đến người dân đẩy nhanh tiến độ sản xuất, phấn đấu cấy 100% diện tích lúa xuân trong tháng 2 này.
Cùng với cây lúa, rau màu các loại cũng được nông dân nhiều địa phương trên địa bàn huyện tích cực sản xuất. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt) Đàm Văn Đua cho biết, sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thời tiết khá thuận lợi nên thành viên hợp tác xã duy trì sản xuất hơn 200ha rau ăn lá và củ cải. Đặc biệt, rau xanh thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán được mùa, bán được giá nên bà con rất phấn khởi, bắt tay ngay vào sản xuất vụ rau mới.
Theo kế hoạch, vụ xuân 2023, huyện Mê Linh gieo trồng hơn 6.160ha, trong đó, lúa 4.300ha; rau, củ 1.100ha; hoa 600ha... Riêng đối với cây lúa, huyện chủ trương vận động bà con gieo cấy trà lúa xuân chính vụ với 80% diện tích. Thời gian cấy lúa xuân bắt đầu từ ngày 5-2 và hoàn thành 100% diện tích trong tháng 2. Về cơ cấu giống, huyện vận động bà con mở rộng diện tích gieo trồng các giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao như: BC15, Japonica, Thiên ưu 8, TBR4, BT7, RVT…
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Trọng Phan cho biết, để bảo đảm vụ xuân giành thắng lợi, huyện chỉ đạo gieo trồng hết diện tích, không bỏ hoang đất nông nghiệp; chuyển đổi mạnh cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo thành các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn.
Đối với những diện tích không chủ động được nguồn nước tưới, huyện chỉ đạo các địa phương vận động người dân chuyển sang các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay, huyện đã chuyển đổi và hình thành một số vùng chuyên canh tập trung, như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, quy mô 50ha/vùng trở lên tại các xã: Liên Mạc, Tam Đồng, Tự Lập, Thạch Đà; vùng trồng cây ăn quả với quy mô 20ha trở lên tại các xã: Hoàng Kim, Chu Phan, Tiến Thịnh, Tiến Thắng; vùng chuyên canh rau, củ các loại tại các xã: Đại Thịnh, Tráng Việt, Tiền Phong, Tiến Thắng, Văn Khê… Đặc biệt, huyện xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích mời gọi doanh nghiệp liên doanh, liên kết đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời, tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, đánh giá khả năng cung ứng của các hợp tác xã và các yếu tố liên quan đến sản xuất lúa hàng hóa, lúa hữu cơ và các loại rau, củ, quả nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cùng với tập trung chỉ đạo sản xuất vụ xuân, huyện Mê Linh chú trọng hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm và đầu ra ổn định cho nông sản. Đến nay, việc xây dựng chuỗi đã được huyện triển khai tại 6/18 xã, thị trấn trên địa bàn, qua đó thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển hơn nữa.
Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, tin rằng, vụ xuân 2023 của huyện Mê Linh sẽ cho mùa vàng bội thu, góp phần giúp ngành Nông nghiệp của huyện từng bước xây dựng nền sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững và hiện đại.