(HNM) - Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, quận Tây Hồ luôn quan tâm đến công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Qua đó, góp phần xây dựng quận trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô.
Toàn quận Tây Hồ hiện có 71 di tích, trong đó có 18 chùa, 20 đình, 33 đền, miếu, am..., trong đó, có 42 di tích đã được xếp hạng, gồm 24 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 28 di tích xếp hạng cấp thành phố; còn lại 29 di tích chưa xếp hạng.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Tây Hồ Chử Phùng Lệ Giang cho biết, quận xác định việc tu bổ, tôn tạo di tích là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn. Hiện nay, quận Tây Hồ có 2 dự án đang triển khai thực hiện, 6 dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; HĐND quận cũng xem xét phê duyệt bổ sung 11 dự án tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025. Các di tích được quan tâm, tu bổ, tôn tạo, ngày càng khang trang, phát huy giá trị phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
Là một trong 8 phường của quận Tây Hồ có 2 di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng, đó là: Chùa Trấn Quốc và đình Yên Phụ, phường Yên Phụ luôn thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên cơ sở thừa kế những tinh hoa văn hóa của thế hệ đi trước.
Phó Chủ tịch UBND phường Yên Phụ Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, cùng với tích cực tuyên truyền, vận động các chức sắc, nhà tu hành và phật tử tham gia nhiều hoạt động, phong trào thi đua ở địa phương, phường Yên Phụ đã chỉ đạo các tổ dân phố có di tích và cơ sở tín ngưỡng họp bàn, đưa tiêu chí thực hiện pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và bảo vệ di tích thành tiêu chí cụ thể để đánh giá thi đua chung và bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Vì vậy, ý thức chấp hành và bảo vệ di tích của người dân trên địa bàn phường đã có nhiều chuyển biến tích cực…
Phường Thụy Khuê không có nhiều di tích, quy mô các di tích nhỏ, tuy nhiên, công tác quản lý luôn được quan tâm. 100% di tích, điểm thờ tự được giữ gìn sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng. Các hiện vật được sắp xếp, bảo vệ theo đúng quy định. Công tác phòng cháy, chữa cháy được quan tâm chú trọng. 100% di tích, điểm thờ tự được trang bị các tiêu lệnh, bình chữa cháy...
Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê Nguyễn Thị Việt Hà thông tin, phường Thụy Khuê có 5 cụm di tích, điểm thờ tự, trong đó có 2 di tích được xếp hạng quốc gia, gồm: Di tích lịch sử, văn hóa đền Voi Phục - miếu Thụy Ứng và di tích cách mạng Trường Bưởi, nay là Trường Trung học phổ thông Chu Văn An. Công tác quản lý, trông nom các di tích trên địa bàn phường được tổ chức thực hiện tốt. Thành viên các tiểu ban quản lý di tích phường đều là người địa phương, có tuổi đời cao, được nhân dân tín nhiệm, đã trải qua nhiều năm làm công tác trông nom, quản lý di tích, được tham dự nhiều lớp tập huấn về công tác quản lý di tích do UBND quận và thành phố tổ chức. Bên cạnh đó, tiểu ban di tích cũng phối hợp với các trường học trên địa bàn, tổ chức nhiều buổi sinh hoạt truyền thống, học sinh được trực tiếp đến di tích để thêm hiểu biết về nguồn gốc lịch sử di tích, tăng thêm vốn kiến thức về lịch sử.
“Để tiếp tục nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, phát huy tối đa vai trò của ban quản lý các điểm di tích, thời gian tới, quận sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn quận; tập trung khai thác tốt giá trị vật thể và phi vật thể của các di tích; tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên hiểu được giá trị, ý nghĩa của các điểm di tích cách mạng, truyền thống quê hương; đẩy mạnh kết nối cộng đồng để phát triển du lịch, mục tiêu xây dựng quận là trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô”, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương nhấn mạnh.