Giám đốc Hợp tác xã Ba Chữ Nguyễn Thị Huyền cho biết, hợp tác xã được thành lập năm 2016 tại xã Vân Nội, với mô hình Tổ hợp tác liên kết chuỗi sản xuất rau, củ, quả theo hướng PGS (hệ thống bảo đảm có sự tham gia - ghi chép sản xuất). Rau sử dụng 70% là phân hữu cơ, 15% sinh học, 15% đạm từ khô dầu đậu tương. Hợp tác xã cung cấp khoảng 50 sản phẩm rau ăn lá, củ, quả theo mùa, như: Cải xanh, cải ngọt, cải ngồng, rau ngót, rau dền, bắp cải, bí, mướp... cho gần 20 bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, cửa hàng.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ an toàn Bắc Hồng Nguyễn Tuấn Hồng, hợp tác xã đã ký kết tiêu thụ ở các chuỗi siêu thị lớn, bếp công nghiệp và một số trường học trên địa bàn Thủ đô với các sản phẩm chủ lực, như: Rau muống, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt, đậu bắp, mướp hương... Để giám sát chất lượng và nâng cao trình độ canh tác của các thành viên, hợp tác xã đã liên kết với các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất và sơ chế rau, củ an toàn cho nông dân trong xã Bắc Hồng.
Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Anh Nguyễn Hồng Tuyển cho biết, toàn huyện có 800ha rau tập trung, trong đó 600ha được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn; 12 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sơ chế rau an toàn với diện tích nhà sơ chế 776m2; 2 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 33 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, rau hữu cơ. Trạm đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn trên 90% số hộ tham gia sản xuất rau an toàn về các kỹ thuật canh tác, chương trình sản xuất rau an toàn PGS. Đặc biệt, 100% hộ sản xuất rau an toàn đã được đào tạo lớp tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
Nhằm phát triển mạnh các vùng rau an toàn, rau hữu cơ, thời gian tới, huyện Đông Anh tiếp tục hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích sản xuất rau hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từng bước phát triển vùng nông nghiệp sinh thái bền vững.
Để hướng tới nền nông nghiệp xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Ngô Đình Loát cho rằng, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện Đông Anh cần tiếp tục minh bạch thông tin sản phẩm rau an toàn. Về phần mình, Chi cục cũng như các đơn vị của Sở NN&PTNT sẽ tăng cường phối hợp với huyện hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối theo chuỗi giá trị để hợp tác xã, doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.