Những năm trước, chè chén rất thịnh hành. Chủ quán thường là đàn ông hay phụ nữ trung tuổi, đã nghỉ hưu hay không có việc làm. Họ bán chè chén để mưu sinh, đủng đỉnh mỗi ngày cũng kiếm được vài chục đến vài trăm ngàn đồng, thậm chí có những quán nằm ở vị trí đẹp, đông khách thì có thể mang lại thu nhập bằng mấy suất lương viên chức. Không ít người nhờ bán chè chén mà mua sắm nhà cửa, đất đai, con cái ăn học thành người, chả thế mà dân gian hay nói: “Buôn thất nghiệp, lãi quan viên”. Đa phần gọi là quán cho sang chứ thực ra chỉ là một khoảng đất vài ba mét vuông hay một chiếc lều che sơ sài, trên bàn bày vài gói thuốc lá, bánh gai, lọ kẹo lạc, tất nhiên không thể thiếu chiếc điếu cày dựng bên cạnh. Khách hàng chủ yếu là đàn ông, có công chức, viên chức, người dân sống quanh đó và quen thuộc nhất là cánh xe ôm, sinh viên.
Nếu quán ít khách, người bán thường pha trà vào ấm pha trà rồi rót ra những cái ly nhỏ như hạt mít (vì thế gọi là ly hạt mít). Quán nhiều khách, chủ quán pha trà vào ấm tích dùng để hãm chè xanh hoặc vào phích nước và rót trà vào những chén hoa hồng hoặc ly thủy tinh. Vào mùa đông, mùa xuân, chè chén nhất thiết phải uống nóng, khách hàng ngồi trên những chiếc ghế gỗ hay ghế nhựa thấp, tay cầm ly trà nóng vừa xuýt xoa nhấp từng ngụm để thưởng thức cái vị chan chát của chè vừa trò chuyện với bạn bè hay ngắm nhìn người đi đường. Ăn sáng xong, nhất là ăn phở, ăn bún mà có được chén trà nóng nhâm nhi thì thật thú vị, vì vậy, các quán nước chè thường đông khách vào mùa lạnh. Vào mùa hè, đa phần “ẩm khách” chuyển sang uống trà đá, cũng là thứ chè ấy nhưng người ta pha thêm nước đun sôi để nguội, cho mấy viên đá lạnh vào, giống như trà đá miền Nam nhưng đặc hơn.
Uống trà không chỉ là thưởng thức về văn hóa ẩm thực mà còn rất có lợi cho sức khỏe. Trà giúp ta tỉnh táo, tránh cơn buồn ngủ, đồng thời còn là một thứ kháng sinh tự nhiên chống được nhiều bệnh nhiễm trùng. Nước Nhật có cả “đạo trà” và ở nước ta, “thủ đô của trà” là tỉnh Thái Nguyên cũng hay tổ chức lễ hội trà, thu hút hàng ngàn du khách đến thưởng thức trà miễn phí.
Nhiều người Hà Nội có thói quen ngồi quán chè chén vỉa hè, không chỉ vì hàng quán phổ biến, ở đâu cũng có thể ngồi được, mà còn bởi được tụ tập chuyện gẫu, ngắm phố xá, chứ pha trà ở nhà mặc dù trà ngon hơn nhưng lại phải rửa ly chén, mà uống trà thì phải vài ba người mới vui. Giá một ly chè chén cũng không đắt lắm, trước đây chỉ 200 đồng một chén, sau tăng lên 500 đồng rồi 1.000 đồng, còn bây giờ thì phổ biến ở mức 3.000 - 5.000 đồng.
Thời gian gần đây, lượng quán chè chén vỉa hè đã vơi đi ít nhiều. Do bận mưu sinh nên người ta ít đàn đúm, bên cạnh đó còn phải kể đến sự cạnh tranh rất mạnh của các quán cà phê, trà sữa và nhiều loại hình giải khát khác. Mặc dù vậy, chè chén vỉa hè vẫn tồn tại bởi nó thông dụng, thiết thực, ghé vào vỉa hè đường phố nào cũng có thể kiếm được ly trà để uống. Cánh nhà văn, nhà báo cũng hay ngồi uống nước chè vỉa hè, bởi nơi đây có thể khai thác được vô khối thông tin.
Tôi đặc biệt thích uống chè chén vỉa hè vào mùa đông. Với tôi, sau khi ăn xong bát phở nóng hổi mà uống cà phê thì coi như hỏng cả dư vị của bát phở, thế nên nhất định tôi phải tạt vào quán nước chè nằm trên vỉa hè phố Nguyễn Du, gần nơi tôi làm việc để thưởng thức ly trà nóng hôi hổi. Vừa nhấp từng ngụm trà chan chát, ngòn ngọt trong miệng vừa ngắm dòng người qua lại để cảm nhận được vẻ thanh bình của cuộc sống trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới đầy năng lượng. Vào mùa thu, trời se lạnh, phố Nguyễn Du có nhiều cây hoa sữa già trổ hoa thơm ngát, ngồi đây mà thưởng thức ly trà nóng trong không gian thấm đẫm hương vị ngọt ngào của hoa sữa mới thật thư thái và thấy yêu cuộc sống này làm sao!
Nhiều người Hà Nội mỗi khi đi du lịch hay có công việc phải đến các địa phương khác thường mang theo cả trà. Để rồi mỗi buổi sáng lại thả một nhúm trà vào chiếc ly thủy tinh của khách sạn, đổ nước sôi vào "chế" thành trà chén, ngồi nhâm nhi và nhớ về Thủ đô.