Xử lý rác tại nguồn ở Sóc Sơn

Ngọc Quỳnh| 26/08/2022 06:33

(HNM) - Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề “nóng” trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường. Thực hiện Đề án “Phụ nữ Sóc Sơn phân loại rác thải tại hộ gia đình và khởi nghiệp từ rác hữu cơ giai đoạn 2021-2023”, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã triển khai các mô hình, xử lý hàng trăm tấn rác thải, góp phần làm cho thôn xóm xanh hơn, sạch hơn.

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn tổ chức tập huấn xử lý rác thải hữu cơ cho người dân trên địa bàn.

Làm cho môi trường sạch, đẹp

Những ngày cuối tháng 8 này, chúng tôi có dịp quay trở lại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, một trong những xã phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2022. Nơi đây đang triển khai phong trào mỗi nhà dân là một mô hình về xử lý rác thải tại nguồn, giữ gìn môi trường sống trong lành.

Bà Nguyễn Thị Thúy ở thôn Phù Mã (xã Phù Linh) cho biết: "Tháng 4-2022, gia đình tôi được xã chọn làm điểm thực hiện mô hình xử lý rác hữu cơ. Theo đó, tất cả rác hữu cơ được ủ bằng chế phẩm IMO (vi sinh vật bản địa); rác nhanh chóng phân hủy, không bốc mùi, môi trường luôn sạch sẽ".

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phù Linh Nguyễn Thị Thắm, để hoàn thành tiêu chí bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, ngoài việc triển khai những tuyến đường hoa kiểu mẫu, xã thí điểm mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại hộ đình ở thôn Phù Mã. Đến nay, 2.500 hộ dân trên địa bàn đã ký cam kết triển khai thực hiện. Mỗi hộ chuẩn bị một thùng đựng rác vô cơ và một thùng đựng rác hữu cơ như rau xanh thải loại, vỏ hoa quả... Sau khi phân loại, rác vô cơ mang đi xử lý, còn rác hữu cơ được các hộ dân ủ ngay tại vườn tạo thành phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Kim Tuyến cho biết, hiện chất lượng môi trường khu vực nông thôn đang chịu nhiều tác động của chất thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt. Trước thực trạng này, Hội đã triển khai thực hiện điểm Đề án “Phụ nữ Sóc Sơn phân loại rác thải tại hộ gia đình và khởi nghiệp từ rác hữu cơ giai đoạn 2021-2023” tại 2 xã Đông Xuân và Phú Cường; còn ở các xã, thị trấn khác của huyện triển khai làm điểm ở một số thôn. Qua thực hiện mô hình cho thấy, việc phân loại rác tại nguồn không chỉ góp phần tận dụng rác thải hữu cơ, rác tái chế mà còn góp phần tiết kiệm chi phí trong vận chuyển, xử lý, chôn lấp rác và làm cho môi trường nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp.

“Để việc phân loại rác thải trở thành thói quen của mỗi hộ gia đình, góp phần bảo vệ môi trường, đại diện cán bộ các cấp hội phụ nữ huyện đã đến từng nhà vận động, phân tích tác hại cũng như lợi ích của từng loại rác để mọi người hiểu và làm theo; đồng thời duy trì đều đặn các đợt tổng vệ sinh, thu gom hàng trăm tấn rác thải, góp phần nâng cao chất lượng môi trường ở các thôn, xóm…”, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến cho biết thêm.

Nhân rộng phong trào

Mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở huyện Sóc Sơn mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội nhưng vẫn còn một số hộ gia đình chưa quen với việc này. Đáng nói, có hộ dân đã tận dụng thùng, xô... có sẵn để phân loại rác, vừa không đúng kỹ thuật, vừa gây mất mỹ quan. Theo Chủ tịch UBND xã Phù Linh Nguyễn Văn Nam, để nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, thời gian tới, cùng với việc tăng cường tuyên truyền vận động, xã sẽ có hướng dẫn cụ thể để người dân xác định rõ từng loại rác, tránh nhầm lẫn giữa rác hữu cơ và vô cơ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần hỗ trợ một phần chi phí cho các hộ dân mua thùng đựng rác theo đúng quy định.

Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Kim Tuyến cho hay, từ nay đến cuối năm 2022, Hội tiếp tục nghiệm thu các mô hình thực hiện Đề án “Phụ nữ Sóc Sơn phân loại rác thải tại hộ gia đình và khởi nghiệp từ rác hữu cơ giai đoạn 2021-2023”; đồng thời phối hợp với các hội đoàn thể, công ty môi trường... mở các lớp tập huấn cho người dân cách thức xử lý rác thải tại nguồn và thu gom, phân loại đúng cách, góp phần bảo vệ môi trường.

Theo Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (hiệu lực thi hành từ ngày 25-8-2022), quy định phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định… Do đó, trong thời gian tới, huyện yêu cầu các hội đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường. Tại các thôn xóm, rác thải cũng sẽ được thu gom và xử lý đúng quy định.

Phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường không chỉ làm giảm lượng rác thải sinh hoạt mà còn giảm áp lực cho các khu xử lý rác thải tập trung, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững, do vậy cần được nhân rộng ở các địa phương để làng quê xanh hơn, sạch hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý rác tại nguồn ở Sóc Sơn