Để Hà Nội ngày càng xanh - sạch - đẹp: Xây dựng văn hóa ứng xử hài hòa với môi trường sống

Đoan Trang Nguồn: ghi| 24/04/2022 06:02

(HNMCT) - Thực trạng ô nhiễm môi trường đang đe dọa nghiêm trọng đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Để lan tỏa nếp sống mới, lối ứng xử văn minh với môi trường, Hànộimới Cuối tuần ghi lại ý kiến của các tổ chức, cá nhân đã và đang tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường, bằng những hành động cụ thể thuyết phục người dân suy nghĩ và hành động tích cực, ứng xử hài hòa với môi trường.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, thành viên Ban quản trị Green Life:
“Sống xanh” từ việc nhỏ

Trong thực tế, chúng ta chưa biết khai thác nguồn tài nguyên rác dù đang có lượng rác thải hằng ngày không hề nhỏ (riêng Hà Nội mỗi ngày thải ra khoảng 7.000 tấn rác). Thêm vào đó, ý thức của một bộ phận người dân trong việc bảo vệ môi trường còn chưa tốt, hiện tượng xả rác bừa bãi ra đường, sông, hồ vẫn còn tồn tại. Hiện tượng chặt cây, bẻ cành, hái hoa nơi công cộng vẫn tiếp diễn; việc sử dụng túi nilon, túi nhựa vẫn còn tùy tiện...

Chính vì thế, Green Life, một tổ chức môi trường phi lợi nhuận đã ra đời vào tháng 12-2018 với mục tiêu khuyến khích mọi người giảm lượng rác thải ra môi trường và phân loại rác tại nguồn, nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường và lan tỏa lối sống xanh đến với cộng đồng. Đặc biệt, Green Life hướng đến các giá trị cốt lõi: Tử tế với môi trường - Trách nhiệm với thế hệ tương lai - Kết nối với cộng đồng...

Sự kiện "Đổi rác lấy quà" được Green Life tổ chức ở những nơi tập trung đông người với tần suất 3 - 4 hoạt động mỗi tháng. Người tham gia sẽ mang những đồ thải loại như chai, lọ, nhựa... đến và được quy đổi ra sao. Cứ 3kg giấy cũ đổi được 1 sao, các loại giấy bìa 5kg quy đổi ra 1 sao, 10 cục pin cũ cũng được nhận 1 sao. Sau đó, mọi người sẽ thoải mái chọn cây xanh, được xếp hạng từ 1 đến 10 sao.

Điều đáng mừng là khi Green Life tổ chức hoạt động “Đổi rác lấy quà” đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của đông đảo người dân. Điều đó cho thấy một bộ phận người dân đã có ý thức hơn trong việc phân loại rác tại nhà. Tôi và các bạn trẻ trong nhóm rất mừng khi nhận thấy niềm vui trong ánh mắt những người tham gia sự kiện bởi họ nhận thấy rác của họ sẽ được đem đi tái chế, xử lý thay vì phải bỏ ra bãi rác như trước kia. Nhiều gia đình cho cả trẻ em tham gia hoạt động để qua đó giáo dục và rèn luyện thói quen phân loại rác cho các bé từ nhỏ.

Chúng tôi rất cảm động khi nhận thấy rằng, trong hơn 3 năm qua, hoạt động của chúng tôi luôn nhận được sự hưởng ứng, đóng góp và hỗ trợ của mọi người kể cả lúc dịch Covid-19 xuất hiện. Tôi mong muốn thông qua các hoạt động của Green Life, mọi người sẽ hiểu hơn về giá trị của rác khi chúng được phân loại, hiểu rằng rác khi được phân loại đều trở thành tài nguyên, từ đó mọi người có ý thức hơn về mỗi việc mình làm. “Sống xanh” không phải là một điều gì đó lớn lao, chỉ đơn giản là những việc nhỏ nhất có thể làm được vì sự bền vững của môi trường sống.  

Chị Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đông Anh:
Mỗi người dân là một tuyên truyền viên

Thực tế là nguồn rác thải hiện nay chưa được các gia đình quan tâm đúng mức. Hầu hết mọi người đều quan niệm rằng cái gì không dùng được thì vứt đi khiến việc phân loại rác ngày càng khó khăn, các bãi rác ngày càng quá tải... Huyện Đông Anh nhiều năm nay đã tiến hành vận động người dân phân loại rác tại nguồn. Bằng các hình thức tuyên truyền sáng tạo, linh hoạt như tổ chức các hội nghị trực tiếp để phổ biến nội dung hoạt động phân loại rác tại nguồn đến cán bộ chủ chốt của hội; phát tờ rơi, tổ chức sinh hoạt nhóm và tuyên truyền trên các mạng Zalo, Facebook..., hiện tại 100% cán bộ chủ chốt đã được tiếp cận nội dung này. Tại các cấp cơ sở, 70 - 75% hội viên đã biết đến hoạt động phân loại rác tại nguồn.

Trong quá trình thực hiện, huyện và xã đều chọn nơi làm điểm, có hình thức hỗ trợ cụ thể. Tại các đơn vị làm điểm, huyện tiếp tục chia thành nhiều nhóm nhỏ, có “nhóm nòng cốt” để hỗ trợ trực tiếp người dân. Ban đầu, bà con hơi ngại bởi vẫn có thói quen vứt tất cả các loại rác vào cùng một chỗ. Thêm vào đó, trong nhóm nòng cốt cũng có một số hộ chưa hoạt động tốt như mong đợi. Tuy nhiên, Hội Phụ nữ các cấp vẫn kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu”, sau một thời gian thì chính những hộ làm hiệu quả đã trở thành tuyên truyền viên tích cực hướng dẫn cộng đồng.

Hiện tại, kết quả rõ nét nhất là lượng rác hữu cơ phải mang đi thu gom đã giảm 70%. Nhiều gia đình đã biết phân loại rác thành các loại rác thải hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế. Với rác thải hữu cơ, người dân cho vào thùng nhựa hoặc hố đất, tưới men vi sinh ủ làm phân bón cho cây trồng. Còn các loại rác tái chế được như vỏ chai, nhựa, lon bia... được xếp gọn để bán phế liệu... Đến nay, số người tự phân loại và xử lý rác tại nhà trên địa bàn huyện Đông Anh tiếp tục tăng. Với nhiều hộ gia đình, việc làm này đã thành thói quen thường nhật, góp phần hình thành và lan tỏa một thói quen tốt, một nếp sống mới cho người dân Thủ đô.

Chị Bùi Ngọc Diệp, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Keep Hanoi Clean:
Thay đổi nhận thức để môi trường ngày một xanh hơn

Keep Hanoi Clean (Giữ Hà Nội sạch) được thành lập vào năm 2016, do James Joseph Kendall, một giáo viên dạy tiếng Anh người Mỹ sống lâu năm tại Hà Nội cùng một số người bạn thành lập và đã chọn kênh Yên Hòa là nơi dọn dẹp đầu tiên. Hành động của anh đã được báo chí chú ý và truyền cảm hứng cho cộng đồng. Ban đầu, Keep Hanoi Clean tổ chức các hoạt động dọn dẹp và thu hút nhiều tình nguyện viên, đặc biệt là các bạn trẻ có chung tình yêu với Hà Nội và muốn hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp. Năm 2018, Keep Hanoi Clean trở thành doanh nghiệp xã hội với mục tiêu là truyền cảm hứng tích cực đến cộng đồng trong công tác bảo vệ không khí, đất và nước tại Hà Nội.

Để góp phần tạo dựng môi trường sống bền vững, Keep Hanoi Clean thực hiện 6 chương trình trọng điểm: Nghiên cứu & Chính sách, Giáo dục, Làm đẹp cảnh quan, Thích ứng & Chống biến đổi khí hậu, Phong cách sống xanh & Thời trang bền vững, Tư vấn trách nhiệm xã hội. Tính đến nay, các hoạt động của Keep Hanoi Clean đã thu hút được sự tham gia của hơn 4.000 tình nguyện viên; hơn 2.500 người tham gia các buổi tập huấn về môi trường, thu gom được 383 tấn rác thải. Trong năm 2022, Keep Hanoi Clean dự kiến triển khai thêm nhiều dự án môi trường, lên kế hoạch mở rộng địa bàn hoạt động sang các tỉnh khác.

Trong quá trình tham gia hoạt động tại Keep Hanoi Clean để thực hiện các dự án cải tạo môi trường, tôi nhận thấy bên cạnh số người đã có kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, hiện vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về giá trị của việc ứng xử hài hòa giữa con người và thiên nhiên, chưa hiểu rõ về tác hại của việc vứt rác bừa bãi, ảnh hưởng của nhựa đến sức khỏe... Chính điều này đã khiến Keep Hanoi Clean tự nhủ phải hành động nhiều hơn nữa để lan tỏa lối ứng xử văn minh với môi trường sống. Riêng cá nhân tôi khi tham gia Keep Hanoi Clean với tư cách là tình nguyện viên từ năm 2016, nhờ các hoạt động của Keep Hanoi Clean mà tôi ý thức hơn về tính cấp thiết của việc thay đổi hành vi của mỗi cá nhân cũng như tổ chức để thế hệ tương lai có môi trường sống tốt hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để Hà Nội ngày càng xanh - sạch - đẹp: Xây dựng văn hóa ứng xử hài hòa với môi trường sống