Dấu ấn kiến trúc
Theo tấm bia Minh Mạng thứ 21 (Canh Tý, 1840) và bia “Bản tự chân duyên bi ký” dựng năm Thiệu Trị 5 (Ất Tỵ, 1845), đình - chùa Tân Khai được xây dựng cùng thời điểm thành lập thôn Tân Khai. Năm Minh Mạng thứ 3 (Nhâm Ngọ, 1822), chính quyền chính thức công nhận thôn Tân Khai thuộc tổng Tiền Túc (huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức). Ban đầu, đình được xây dựng sơ sài. Sau hai đợt cháy lớn vào năm Mậu Tý (1828) và Đinh Dậu (1837), đình được xây dựng lại với quy mô lớn hơn.
Đình Tân Khai thờ ba vị thần: Bạch Mã (thần Ngựa trắng), Tô Lịch (thần sông Tô Lịch) và Thiết Lâm (thần rừng lim ở hồ Tây). Tương truyền đây là ba vị thần nổi tiếng linh thiêng đã có công giúp vua Lý Thái Tổ xây dựng kinh thành và là những vị thần bảo hộ cho thành Thăng Long xưa. Theo thủ từ Vũ Đào - phụ trách việc trông coi đình Tân Khai, đình được xây trên một mảnh đất nhỏ, có vị trí quan trọng đối với thành Thăng Long. Ngoài cửa đình hiện còn 4 chữ “Đông trấn hùng phong”, gợi ý đây là nơi trấn cửa Đông thành Thăng Long. Các văn bia trong đình còn ghi lại rằng, xưa kia đình quay về hướng Tây, sau chuyển hướng Đông Nam. Đình tọa lạc trên một địa thế có phong thủy đẹp, hướng ra hồ Lục Thủy, dựa lưng vào núi Nùng.
Đình Tân Khai ngày nay nằm tại ngã tư phố Hàng Vải - Hàng Gà. Cổng đình được xây theo kiểu nhà cầu bốn trụ mái bằng, trên đắp cuốn thư đề 4 chữ: “Tân Khai linh từ”. Trên cổng ra vào được làm bằng gỗ có chữ “Thọ” lớn với biểu tượng ngũ phúc (5 con dơi) vây quanh. Theo thời gian, khuôn viên đình đã có nhiều thay đổi. Nhà tiền tế đã mất, hiện nay đình chỉ còn hậu cung xây theo kiểu chữ Công.
Bên trong đình, không gian thờ tự vẫn được giữ nguyên theo lối thờ truyền thống của người Việt. Phía trên cung chính - nơi thờ tam vị Thành hoàng - có hai bức hoành phi đề chữ “Thượng đẳng tối linh” và “Long Đỗ trung anh” ca ngợi sự linh thiêng của các vị Thành hoàng. Phía dưới là những câu đối kể lại công lao của các vị trong việc giúp vua Lý Thái Tổ xây dựng thành Thăng Long, đánh tan bùa đồng của Cao Biền cũng như diệt trừ yêu ma, đạo tặc để người dân có cuộc sống bình yên. Trong đình hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như 15 đạo sắc phong của các đời vua triều Nguyễn, kiệu bát cống, long đình, bát bửu, quả chuông đồng thời Tự Đức (1847 - 1883), hai bức tượng đá xanh nguyên khối...
Đình Tân Khai đã trải qua nhiều lần tu sửa, phong cách kiến trúc hiện nay có sự giao thoa văn hóa Đông - Tây. Bên cạnh lối kiến trúc khuôn mẫu của đình làng Việt là nét kiến trúc phương Tây với phần trần đắp nổi hoa văn, chấn song giữa các lớp mái được làm bằng gốm đúc hình chữ Thọ... Cụm di tích đình Tân Khai - chùa Thái Cam đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1990.
Sao cho xứng tầm quốc gia
Trải qua hơn hai thế kỷ, khuôn viên đình Tân Khai - chùa Thái Cam bị lấn chiếm một phần diện tích, một số công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2013, quận Hoàn Kiếm đã giải phóng mặt bằng, di chuyển 8 hộ dân ra ngoài khuôn viên di tích và trùng tu đình Tân Khai. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn Trường Mầm non 1-6 nằm trên đất của di tích. Bà Trần Kim Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ cho biết: Theo kế hoạch của UBND quận Hoàn Kiếm, việc di dời Trường Mầm non 1-6 sẽ được thực hiện trong năm 2020 để hoàn trả nguyên trạng không gian di tích. Cùng với đó, chùa Thái Cam cũng sẽ được tu bổ, tôn tạo.
Ông Vũ Đào, thủ từ đình Tân Khai cho biết: Ngoài việc di tích bị lấn chiếm nghiêm trọng suốt nhiều năm qua, hiện nay nhiều du khách đến tham quan đều tỏ ý không hài lòng với tình trạng hàng quán, xe cộ vây quanh cửa đình, nhiều người tụ tập gây ồn ào, ảnh hưởng đến không gian di tích. Ông Đào mong muốn, để di tích xứng tầm quốc gia, bên cạnh việc thường xuyên tu bổ, tôn tạo, chính quyền phường Hàng Bồ cần tăng cường thực hiện việc giữ gìn trật tự đô thị tại khu vực di tích cũng như tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh cho người dân sinh sống xung quanh. Có như vậy, cụm di tích mới có thể phát huy giá trị và trở thành điểm đến thu hút du khách.