Giải ''bài toán'' ô nhiễm làng nghề ở Phúc Thọ

Hoàng Sơn| 08/04/2022 07:13

(HNM) - Hiện nay, huyện Phúc Thọ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề để di chuyển các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư. Việc này nhằm giải quyết việc làm, khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo thuận lợi cho công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường ở địa phương.

Sản xuất hàng may mặc tại làng nghề xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Đức Duy

Huyện Phúc Thọ hiện có 5 làng nghề truyền thống và 50 làng có nghề đang hoạt động. Sự phát triển của làng nghề góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, hầu hết làng nghề ở Phúc Thọ phát triển theo hình thức tự phát; nhà xưởng và cơ sở sản xuất đặt tại gia đình nên quá trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường còn hạn chế.

Điển hình, xã Thanh Đa có khoảng 340 cơ sở sản xuất đồ mộc, chế biến gỗ đang nằm chen chúc trong khu dân cư. Ông Nguyễn Văn Mạnh (người dân trong xã) chia sẻ, mặc dù chủ các cơ sở sản xuất đã có ý thức sử dụng bạt che, vách ngăn, quạt thông gió, máy hút bụi... để giảm bớt ô nhiễm nhưng thực tế, bụi gỗ, mùi hóa chất vẫn lan tỏa trong không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân.

Tương tự, theo Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Đỗ Trọng Đại, địa phương có khoảng 600 cơ sở sản xuất thú nhồi bông và may mặc; doanh thu từ nghề đạt 800-900 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, do cơ sở sản xuất chật hẹp, lưu lượng người và phương tiện, máy móc hoạt động dày đặc nên nơi đây thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường...

Thực trạng này cũng tồn tại ở nhiều làng nghề của huyện Phúc Thọ như: Chế biến nông sản ở xã Sen Chiểu, nghề kim khí ở xã Liên Hiệp, sản xuất đồ mộc ở xã Hát Môn…

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, Phúc Thọ đã yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp cùng chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của các loại chất thải, nước thải đối với môi trường và sức khỏe con người. Huyện yêu cầu các địa phương làm tốt việc thu gom, xử lý chất thải làng nghề, giúp người dân ổn định sản xuất..., song đó chỉ là biện pháp xử lý tạm thời, chưa triệt để và thiếu bền vững.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, huyện đã lựa chọn giải pháp phát triển các cụm công nghiệp làng nghề bởi chỉ khi nào tách hoạt động sản xuất ra khỏi khu vực dân cư, khi đó vấn đề môi trường mới được giải quyết. Theo quy định, tại các cụm công nghiệp tập trung, toàn bộ chất thải từ các cơ sở sản xuất phải được thu gom xử lý, bảo đảm đầu ra an toàn với môi trường.

Để tạo thuận lợi cho các làng nghề của huyện Phúc Thọ, năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết định chủ trương triển khai 6 cụm công nghiệp làng nghề tại các xã: Tam Hiệp, Liên Hiệp, Thanh Đa, Long Xuyên, Võng Xuyên và cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ, với tổng số vốn gần 2.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, huyện chỉ đạo trong quý III và quý IV năm 2022 phải khởi công xây dựng hạ tầng 3 cụm công nghiệp ở các xã: Tam Hiệp, Liên Hiệp và Thanh Đa; đối với các cụm công nghiệp còn lại, huyện chỉ đạo các phòng, ban, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao cho chủ đầu tư triển khai dự án trong năm 2023.

Hy vọng, khi các cụm công nghiệp hoạt động, Phúc Thọ sẽ giải được “bài toán” ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, đáp ứng nhu cầu thuê mặt bằng sản xuất tại các làng nghề, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải ''bài toán'' ô nhiễm làng nghề ở Phúc Thọ