Tính đến thời điểm hiện tại, cây xanh hồ Hoàn Kiếm đã có lịch sử hơn một thế kỷ. Sau khi hạ thành Hà Nội năm 1882, thực dân Pháp đã cho quy hoạch và xây dựng Hà Nội thành Thủ đô của Liên bang Đông Dương. Bên cạnh xây dựng các thiết chế như dinh Toàn quyền, tòa Thống sứ, ngân hàng, Nhà hát Lớn, cầu Long Biên, biệt thự Pháp..., chính quyền thực dân đã quan tâm, bắt tay vào việc trồng cây xanh. Hà Nội được chọn là “Thành phố - Vườn cây” với Hồ Gươm là trung tâm. Năm 1888, Pháp đã lập “Jardin d’essal” (Vườn thí nghiệm thực vật) rộng 33ha, nay là vườn Bách Thảo, để tạo nguồn cây, hoa đô thị.
Vườn có khu vườn cây và khu vườn ươm nhằm chọn các giống cây bản địa, nhập giống cây từ các châu lục Phi, Mỹ, Âu, Úc... để trồng cho Hà Nội. Quanh hồ xưa là đường đất bùn lầy, người Pháp đã cho mở rộng, tôn tạo đường quanh hồ và hoàn thành vào năm 1893. Những con đường quanh hồ xây dựng xong với vỉa hè rộng, được trồng sấu, xà cừ, phượng... Năm 1897, chính quyền Pháp thực hiện xóa bỏ nhà lá ở các phố quanh hồ, xây nhà gạch theo hàng thống nhất, có vỉa hè, rãnh thoát nước, và trồng cây xanh dọc theo các tuyến phố Hà Nội.
Vì vậy, đến nay, nhiều đường phố Thủ đô còn gọi tên cây thay tên phố như: Sao đen - Lò Đúc; Sấu - Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Trần Phú; Cơm nguội vàng - Lý Thường Kiệt; Xà cừ - Hoàng Diệu. Tiến sĩ Michael Waibel, nhà nghiên cứu người Đức, tác giả cuốn Hà Nội Capital City đánh giá: “Hà Nội những năm 1925 - 1935 là một trong ba thành phố đẹp nhất châu Á cùng Tokyo và Thượng Hải”.
Năm 1969, sau một trận mưa bão, hồ Hoàn Kiếm được xây kè như bây giờ và trồng mới, tu bổ cây xanh. Năm 1997, Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Vũ Văn Chuyên là người đầu tiên cho ra đời “Bản đồ đầu tiên về cây xanh thành phố Hà Nội” trong Bách khoa thư Việt Nam, với trên 30.000 cây các loại thuộc 700 loài, trong đó có cây ở Hồ Gươm.
Cây xanh Hồ Gươm như một bảo tàng thực vật đầu tiên của Việt Nam, trong đó có sự hòa hợp của bonsai cổ điển gắn kết với hệ sinh thái hiện đại. Bảo tàng thực vật thu nhỏ Hồ Gươm trải qua hàng thế kỷ. Cây xanh Hồ Gươm gắn với các tiêu chí của Cây di sản Việt Nam, thể hiện giá trị rất cao: “Cây tự nhiên quý hiếm, độ tuổi, tính đặc sắc, lịch sử, văn hóa”. Cây ven hồ đầu tiên được trồng trong bộ bonsai là cây đa, cây gạo.
Cây đa đỏ ở đền Bà Kiệu có tuổi đời không thua kém cây đa số 1 Đông Dương đã hơn 140 năm tuổi, hiện nằm trong khuôn viên Báo Nhân Dân; rồi 4 cây đa xanh mà 2 cây giờ đã “nằm nghiêng soi bóng mặt hồ” - một cây gốc cổ thụ cạnh nhà hàng Thủy Tạ, một cây chỗ cửa hàng Bốn Mùa; cây bồ đề cạnh đền Ngọc Sơn nay không còn; có 2 cây gạo được trồng - một cây trước nhà Đốc lý (nay là trụ sở UBND thành phố và một cây trước đền Ngọc Sơn đã bị chết, nay trồng lại một cây nhỏ. Hai cây si cạnh tháp Hòa Phong và chục cây khác với những bộ rễ như râu, phủ kín một góc hồ gần tháp Hòa Phong, đền Ngọc Sơn.
Đó là chưa kể “bộ tứ quý danh, hương, hoa, sắc” gồm: Hai cây lộc vừng đại thụ hoa đỏ, gốc Bắc Úc, một cây thế thẳng, một cây 9 gốc thế nghiêng trên mặt hồ; cây phượng vĩ gốc đảo Malacca, cây cơm nguội vàng (gốc Malaysia), cây mõ hoa vàng gốc Panama, cây bằng lăng tím gốc Ấn Độ ở cửa đền Ngọc Sơn, cây ô môi hoa đỏ gốc Gò Công... Rồi là bộ tứ thiết tán xanh như: 5 cây sưa đỏ gốc đảo Hải Nam, 7 cây tếch (gốc Ấn) sừng sững... loài cây không cần hương mà ngoài tán xanh thì thân quý, giá bán tính theo ki lô gam; cây dạ hương lá nhỏ như lá si nhưng mùi luôn thơm dịu, cây muỗm tại cửa hàng Bốn Mùa có từ trước khi mở đường được giữ lại.
Về cây xanh Hồ Gươm được bổ sung trồng mới, có lẽ phải kể đến giai đoạn Đốc lý Hà Nội Thẩm Hoàng Tín (1950 - 1952), người đã cho thi thiết kế và xây dựng lại cầu Thê Húc, đồng thời cho trồng nhiều cây xanh nay thành vườn cây, hàng cây rất đẹp tại khu vực cầu Thê Húc, đường Lê Thái Tổ, Hàng Khay. Một thế hệ cây xanh sau được trồng kế tiếp như sưa, tếch, dạ hương, vông, vàng anh, cọ, dừa, sữa, bằng lăng, móng bò tím, long não, trúc ngà, thiên tuế, vạn tuế, tùng, trắc bách diệp, sung, khế... đã tạo ra một thảm thực vật đa dạng, phong phú, tự nhiên quanh hồ.
Danh thắng hồ Hoàn Kiếm là Di tích quốc gia đặc biệt. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: “Khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận là điểm hội tụ tinh hoa của Hà Nội - biểu tượng tinh thần của người Hà Nội và dân tộc Việt Nam”. Hà Nội ngày nay, nhất là từ khi mở rộng địa giới hành chính, tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng quy hoạch giao thông, đô thị, cây xanh... chưa đáp ứng yêu cầu cần có, tỷ lệ cây xanh đô thị giảm, đạt 2m2 - 3m2/người, trong khi tiêu chí tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2/người.
Để thực hiện được yêu cầu đó, nhất là với khu vực hồ Hoàn Kiếm, thành phố đã phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cùng một số tổ chức, cơ quan tư vấn kiến trúc nổi tiếng thế giới tổ chức nhiều cuộc hội thảo, quy hoạch, thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm (2009, 2010, 2014, 2017) nhằm “Bảo tồn, phát huy giá trị không gian kiến trúc, văn hóa, lịch sử hồ Hoàn Kiếm - Tạo dựng thương hiệu đô thị của Thủ đô Hà Nội”.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, thành phố đã thực hiện nhiều dự án, chương trình hành động hướng về mục tiêu này, như “Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh đến năm 2020”; Dự án “Thí điểm không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm”... Không gian xanh Hồ Gươm phát triển theo tiêu chí, yêu cầu mới là một không gian ngang tầm thế giới, đòi hỏi phải có một quy hoạch hiện đại, bao gồm không gian bảo tồn, trong đó có việc thiết yếu là quy hoạch xây dựng các dịch vụ văn hóa, vệ sinh công cộng hiện đại. Một trong những giải pháp mà nhiều nhà khoa học nêu là cần ngầm hóa các công trình này để vừa hiện đại hóa không gian môi trường khu vực hồ Hoàn Kiếm vừa bảo đảm cảnh quan, môi trường, bảo tồn cây xanh Hồ Gươm theo tiêu chí Cây di sản Việt Nam.
Hồ Gươm xanh mãi vẫn là tình yêu, là nỗi nhớ của bao thế hệ người dân Thủ đô cũng như cả nước. Chúng ta tạ ơn sông Hồng đã sinh ra Hồ Gươm và vô cùng biết ơn bao thế hệ tiền nhân trong hành trình kiến tạo Thăng Long - Hà Nội sừng sững rạng ngời trong lịch sử đã bồi đắp cho Hồ Gươm một vẻ đẹp vượt thời gian như thế.