Hương bưởi

Truyện ngắn của Đỗ Thu Yên| 26/03/2023 13:45

(HNMCT) - Tôi yêu Na từ khi em mới lớn, bởi chúng tôi sống gần nhau. Ở tuổi trăng tròn, em mang vẻ đẹp bình dị, đằm thắm, đôi mắt to đen láy và hai lúm đồng tiền rất duyên. Chúng tôi cùng tham gia hoạt động của phong trào thanh, thiếu niên ở địa phương, những buổi sinh hoạt Đoàn, nhất là những buổi tập văn nghệ chúng tôi luôn bên nhau.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Vùng quê tôi vào mùa hoa bưởi có những ngày lễ hội truyền thống mà thanh niên đóng vai trò chủ chốt trong công việc rước hội. Lần đầu tiên tôi mê mải ngắm Na là khi cả tôi và em đều được chọn vào đội rước kiệu của làng. Lúc này em đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng trong tà áo dài màu thiên thanh, còn tôi cũng xúng xính trong bộ áo the khăn xếp. Những buổi đi rước hội ở các làng bên, tôi thường chở Na trên xe đạp. Chúng tôi đi qua những con đường làng quanh co, hương bưởi ngọt ngào êm dịu, đi qua những cánh đồng quê xanh mướt mênh mông.

Một lần, tôi và Na tham dự buổi hát quan họ trên thuyền, do sơ suất của người cầm lái mà thuyền bị nghiêng, chòng chành. Na hốt hoảng và là người đầu tiên bị ngã xuống nước. Tôi hét lên “Na ơi!” rồi vội nhảy xuống nước, ôm lấy tấm thân ướt đẫm của em. Na rất sợ và cả xấu hổ nữa, nhưng khi ở trong vòng tay của tôi em đã yên tâm hơn rồi quay lại nhìn hai cô bạn cũng vừa được đưa lên thuyền. Trên bờ, loa đang truyền đi giọng nói rất khéo của người dẫn chương trình: "Đây là những giây phút đáng nhớ để các liền anh liền chị có một kỷ niệm thật khó quên trong mùa lễ hội của quê hương. Xin bà con một tràng vỗ tay cổ vũ cho các liền anh, liền chị cây nhà lá vườn”.

Những tràng vỗ tay không ngớt và không khí lễ hội bình thường trở lại. Dàn nhạc bắt đầu du dương làn điệu quan họ, những giọng hát say sưa trong điệu “Mời trầu” ngân lên trong khung cảnh làng quê yên bình. Nhưng câu nói của người dẫn chương trình như vận vào tôi vậy. Cho đến bây giờ, những kỷ niệm trong tôi vẫn mới như ngày hôm qua...

***

Ngày tôi nhập ngũ, tuy không hẹn nhưng tôi vẫn mong Na đến. Thực ra tôi rất muốn nói với Na rằng tôi yêu em và hẹn em hãy chờ tôi, nhưng suốt đêm qua tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi không muốn Na phải ràng buộc vì lời hẹn ước. Thời buổi chiến tranh, đi vào nơi “hòn tên mũi đạn”, biết thế nào mà bắt em phải đợi chờ. Thôi thì cứ coi đó là sự sắp đặt của số phận.

Nhưng rồi Na cũng đến. Em lẳng lặng tới bên tôi, đôi mắt to đẹp long lanh. Em dúi vào tay tôi một gói quà nhỏ. Tôi nhìn những giọt nước mắt lăn trên đôi má ửng đỏ, đôi mắt đen nhìn tôi như trách móc, chắc đêm qua Na cũng thao thức như tôi. Na gạt nước mắt rồi chạy đi. Tôi định chạy theo, nói cho em những suy nghĩ của tôi nhưng xe đã đến giờ chuyển bánh. Tôi lên xe, cố tìm hình dáng em trong những người đưa tiễn. Na tách khỏi đám đông và giơ hai tay về phía tôi. Tôi cũng giơ tay chào tạm biệt em và mọi người. Làng quê xa dần. Tôi nhìn mãi về vệt màu xanh thân thương, chợt nhớ đến món quà của Na liền mở ra xem. Thì ra là chiếc khăn tay thoảng mùi hương hoa bưởi, trên đó thêu một lời hẹn: “Em sẽ đợi anh về”.

Hình ảnh của Na và chiếc khăn tay làm tôi thấy ấm lòng trên những nẻo đường hành quân. Tôi giữ gìn chiếc khăn như một báu vật, còn hình ảnh Na luôn đến với tôi những lúc vui buồn. Tôi luôn nhớ gương mặt trái xoan hiền dịu, đôi mắt to đen láy và hai lúm đồng tiền duyên dáng. Tôi khát khao mong đến ngày bình yên để trở về bên em, cùng nhau xây dựng mái ấm và có những đứa con xinh xắn. Thậm chí tôi đã tưởng tượng ra hình ảnh của Na bên bếp lửa ấm áp mùa đông với những đứa con của mình.

***

Ngày tôi trở về, vừa tới đầu làng đã thấy mùi hương bưởi thoang thoảng đâu đây. Tôi bâng khuâng ghé vào quán ven đường. Chưa uống xong chén nước thì có một chị chạy đến, nói giọng hối thúc:

- Dọn hàng đi Bình ơi! Sắp đến giờ đón dâu rồi. Đã hứa với em Na là thế nào các chị cũng đến.

Tôi giật mình, vội hỏi chủ quán:

- Làng mình có đám cưới ai vậy chị?

- Cưới cô Na hội rước kiệu, dâng hương. Nó đẹp người đẹp nết mà hồng nhan bạc phận. Người yêu hy sinh mấy năm rồi giờ mới chịu lấy chồng.

Tôi ngỡ ngàng. Chẳng lẽ có sự nhầm lẫn chăng? Nghĩ vậy, tôi đứng phắt dậy và quyết định vào đám cưới. Nhất định tôi phải gặp Na trước khi hôn lễ được tổ chức. Nhưng tôi vừa khoác ba lô lên vai thì chị lúc nãy lại chạy ra giục:

- Thôi dọn hàng đi. Đám nào trễ còn được, chứ đám này phải đến sớm động viên nó. Lấy chồng mà có vui gì đâu. Nghe nói chú rể là thương binh, lại là bạn của người yêu cũ.

- Chú Thắng này thì tôi biết. Chú ấy thường đến lễ hội, đi đứng khó khăn nhưng thổi sáo, đánh trống chèo rất cừ.

Chị hàng nước vừa dọn hàng vừa trả lời bạn. Tôi vội khoác ba lô rời khỏi quán, đi ngược lại phía con đường làng. Tôi đi như chạy trốn, rất sợ gặp người quen. May mà ở quán nước vừa nãy không ai biết tôi, chắc là các chị về đây làm dâu hoặc người nơi khác đến...

Trong lúc ngồi trên xe khách trở về nhà người đồng đội, tôi suy nghĩ mông lung. Hình ảnh Na với những kỷ niệm lại choán ngợp tâm trí tôi. Tôi hình dung em trong lễ cưới mà chú rể không phải là tôi. Hẳn em cũng trải qua nỗi đau như tôi lúc này. Tôi muốn trở về ôm chặt em trong vòng tay của mình, thỏa nỗi khát khao sau bao tháng ngày chờ đợi. Nhưng còn Thắng thì sao? Giá như Thắng không phải là thương binh...

Đầu óc tôi rộn lên bao suy nghĩ, nhưng tôi biết mình chọn sự ra đi lặng lẽ là đúng. Đường còn xa... Tôi ngả đầu về phía sau, cố ngủ một giấc nhưng lại mơ màng nhớ Na. Mùi hương bưởi trên tóc em như thoang thoảng đâu đây. Đôi mắt to tròn thăm thẳm như trách móc. Tôi chẳng biết mình mơ ngủ hay thức nữa. Bao nhiêu háo hức mong chờ, bao nhiêu dự định trong kỳ nghỉ phép đều tan biến. Tâm trí tôi lúc này là nỗi buồn vô hạn, một sự bế tắc mà tôi không thể gỡ ra được. Tôi thương em, thương bản thân mình và cả thương Thắng nữa.

Tôi trở về nhà Trung, bạn cùng đơn vị, cùng đi phép với tôi. Trung trố mắt nhìn tôi từ đầu đến chân và hỏi dồn dập:

- Sao thế mày? Có chuyện gì vậy?

Tôi chưa kịp trả lời thì mẹ Trung từ trong nhà đi ra:

- Mời cháu vào trong nhà!

Rồi bà quay sang nói với Trung:

- Dù gì thì cũng để bạn vào nhà đã.

Sau khi tôi chào hỏi gia đình và uống xong chén nước, Trung vội kéo tôi vào phòng cậu ấy rồi sốt sắng hỏi:

- Nào, có chuyện gì? Nói tao nghe đi.

- Na lấy chồng rồi! Cưới đúng ngày hôm nay. Tao đã về nhà mình đâu. Biết tin tao liền quay lại đây ngay. Đi như chạy trốn ấy! Sợ người quen nhìn thấy!

Trung thở dài rồi nói gay gắt:

- Việc gì phải chạy trốn? Mày cứ gặp Na xem sao.

- Na nghe tin đồn tao đã hy sinh, sau mấy năm mới nhận lời người ta. Giờ lỡ cả rồi.

- Thế thì càng phải gặp. Đã có nhiều trường hợp như thế, và bao giờ người ta cũng dành ưu tiên cho người lính trở về. Vấn đề là tình cảm của Na dành cho ai.

- Na lấy bạn thân của tao. Cậu ấy là một thương binh. Chẳng lẽ tao lại đi giành hạnh phúc của một người như thế!

Trung đặt tay lên vai tôi rồi lại thở dài:

- Thôi mày ạ! Chiến tranh mà, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Thời gian này mày cứ ở đây và giúp tao sửa nhà, nay mai về đơn vị cho yên tâm.

***

Dù quyết định như thế nhưng đêm đến tôi không sao ngủ được. Tôi nhớ đến Na, người con gái mà tôi yêu. Biết bao kỷ niệm ùa về. Hình ảnh Na dịu dàng đằm thắm trong ngày hội, đôi mắt đẹp nhìn tôi như trách móc khi tôi lên đường mà chẳng hẹn hò gì với em. Và giờ đây tôi đã trở về, tôi cũng có thể đến bên em, mang lại hạnh phúc cho em sau những năm tháng đợi chờ. Nhưng một lần nữa tôi lại ra đi trong âm thầm lặng lẽ. Sự ra đi lần này không còn cách trở của chiến tranh, không còn nỗi lo tôi có thể không trở về để em phải lỡ dở. Lần này tôi quay bước vội vã mà em chẳng biết gì cả. Tôi ở gần em và trong bình yên, nhưng lại chẳng còn niềm hy vọng như lần chia tay ngày nhập ngũ. Tôi hiểu là chúng tôi đã mất nhau. Em đã làm dâu nhà người, làm bổn phận của người vợ. Có điều trong cuộc hôn nhân của em vẫn có hình bóng tôi, bởi em đã chọn một người lính, một thương binh đồng thời là người bạn của tôi. Và em sẵn sàng mang lại cho người lính ấy một bờ vai, một bến bờ hạnh phúc.

Trung hầu như cũng không ngủ, cậu ấy nắm chặt lấy vai tôi:

- Âu cũng là sự hy sinh của cánh lính mình. Cậu cứ nghĩ đêm nay, một đồng đội, một thương binh, một người bạn của mình sẽ có một bến bờ hạnh phúc. Nào, ngoắc tay với tớ! Không buồn nữa!

Tôi đưa ngón tay cho Trung ngoắc. Chúng tôi ngồi bên nhau trong im lặng. Cơn gió cuối xuân thổi mạnh mang theo hương bưởi từ khu vườn vào phòng. Mùi hương bưởi dịu dàng, ngọt ngào như những kỷ niệm về em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hương bưởi