Huyện Ba Vì: Tiếp sức cho người lao động nghèo vươn lên

Hà Hiền| 24/11/2019 07:52

(HNM) - Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, miền núi là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ba Vì. Theo đó, những lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được tiếp sức để vươn lên bằng cách được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì.

Nhiều lao động nông thôn ở xã Ba Trại, huyện Ba Vì có nhu cầu vay vốn ưu đãi để tạo việc làm. Ảnh: Minh Ngọc

Ưu tiên cho vùng khó khăn

Là huyện thuần nông, tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những năm qua, huyện Ba Vì có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, lao động nông thôn thiếu việc làm cao nhất thành phố. Thực hiện mục tiêu rút ngắn khoảng cách chênh lệch về nhiều mặt giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, đồng thời không để người nghèo bị ở lại phía sau, huyện Ba Vì đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo đà cho kinh tế - xã hội 7 xã miền núi (Ba Vì, Ba Trại, Minh Quang, Khánh Thượng, Tản Lĩnh, Vân Hòa và Yên Bài) phát triển toàn diện, bền vững. Trong nhóm giải pháp đã thực thi, việc ưu tiên cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi mang lại những kết quả khả quan.

Theo thống kê của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì, đến thời điểm này, các ngành, đoàn thể đã phối hợp xét duyệt, tạo điều kiện cho gần 200 hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn với số dư nợ lên tới hơn 8 tỷ đồng. Đa số hộ vay vốn dần thoát khỏi cảnh nghèo, thậm chí có những hộ từng bước vươn lên làm giàu. Điển hình là gia đình chị Đinh Thị Hồng (người dân tộc Mường, ở thôn 7, xã Ba Trại. Trao đổi với chúng tôi, chị Đinh Thị Hồng cho hay: Từ nguồn vốn vay 20 triệu đồng năm 2011, cộng với số tiền tích cóp được, gia đình chị mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây chè, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Quyết định này vừa giúp các thành viên có việc làm ổn định, vừa đưa gia đình chị Hồng thoát khỏi diện hộ nghèo. Dù đã thoát nghèo, hiện nay, gia đình chị Đinh Thị Hồng vẫn tiếp tục được vay vốn ưu đãi với số tiền 50 triệu đồng để mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Không riêng đồng bào dân tộc thiểu số, những lao động có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện và có nhu cầu trên địa bàn huyện Ba Vì đều được ưu tiên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Tính chung, đến ngày 31-10-2019, toàn huyện có hơn 15.000 hộ đang vay vốn chính sách, với tổng dư nợ gần 570 tỷ đồng. Hiệu suất sử dụng vốn đạt hơn 99%, duy trì không có nợ quá hạn...

Bảo đảm công bằng, phát huy hiệu quả

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Ba Vì đã tạo động lực giúp các gia đình vươn lên thoát nghèo. “Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện giải quyết việc làm cho gần 4.000 người; hỗ trợ hơn 1.400 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 3,18% vào thời điểm đầu năm, giảm còn 1,43% vào thời điểm cuối năm. Nhiều hộ mới thoát nghèo tiếp tục được vay nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm”, ông Đỗ Quang Trung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì thông tin.

Bảo đảm cho nguồn vốn được phân bổ đến đúng người, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả tối đa, từ quý III năm nay, cán bộ tín dụng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì đã phối hợp với đại diện Ban giảm nghèo tại các xã, thị trấn tổng hợp nhu cầu vay vốn của người dân. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, số lượng gia đình có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm trong năm 2020 tăng khoảng 15% so với năm 2019.

Trước nhu cầu vay vốn của người dân tăng cao, mức cho vay nâng lên, ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì đề nghị, các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục bổ sung nguồn vốn ủy thác qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội; đồng thời có nguồn vốn vay dành riêng cho đối tượng lao động nông thôn tham gia học nghề. Với trách nhiệm được giao, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì sẽ tích cực, chủ động huy động thêm nguồn vốn trong nhân dân thông qua mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các xã, thị trấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Ba Vì: Tiếp sức cho người lao động nghèo vươn lên