Xưa và nay

Nhớ những trò chơi thời thơ ấu

Phong Hà 08/07/2023 07:08

Những năm 1960, ngoài giờ đi học, trẻ em thành phố say mê với những trò chơi tập thể quanh khu phố mình ở. Giản đơn nhưng vui và say mê lắm. Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, đời sống được nâng cao, trẻ em được tiếp cận với những trò chơi mới, và, mặc nhiên những trò chơi tập thể ngày xưa dần bị lãng quên...

trochoi.jpg
Rồng rắn lên mây - trò chơi quen thuộc của trẻ em thời bao cấp.

Những trò chơi đơn giản và hồn nhiên

Thời ấy, thiếu nhi sống tại các khu phố nội thành thường hò nhau dậy sớm, ôm quả bóng cao su ra đoạn phố nhỏ, chia bên thi đấu. Lấy dép xếp thành gôn, đá dưới ánh sáng “giở giăng giở đèn” nhưng hò hét váng cả một góc phố. Đến khi lác đác có bóng xe đạp vút qua, đèn đường tắt, “hai đội” mới kéo nhau về, chuẩn bị đi học. Chiều chủ nhật lại lôi nhau vào công viên dàn quân đá bóng...

Đám con gái thường chơi nhảy dây, chồng nụ chồng hoa... không kém phần sôi động. Vào các đêm hè, cũng tại các đoạn đường phố vắng người, trẻ em khu phố lại tụ tập chơi các trò chơi đơn giản, như bỏ giẻ, mèo đuổi chuột, sô-vê, cướp cờ, đuổi bắt... Đứa nào đứa nấy mồ hôi mướt mát nhưng vui và say sưa lắm. Có hôm 9 - 10h tối vẫn chưa chịu giải tán.

Ban ngày, đám con trai thường chơi bi, đánh khăng, đánh quay, đánh đáo bằng những nắp chai đã được đập thẳng như những đồng xèng. Con gái chơi ô ăn quan, đánh chắt... Có hôm trời nóng bức quá, cả hội rủ nhau lên Ấu Trĩ viên (Cung Thiếu nhi Hà Nội) mua vé vào bể bơi.

Bên cạnh những trò chơi tập thể, trẻ con phố tôi còn rộ lên phong trào chơi tem, sưu tầm nhãn diêm Thống Nhất, sưu tầm các tờ bướm bài hát, hay nuôi cá vàng, cá kiếm các loại. Đầu phố tôi lúc đó có cậu Tuấn được mệnh danh là “vua tem” với cuốn an bum gồm hơn 300 mẫu tem trong và ngoài nước, cả nhóm kéo đến xem, tròn mắt ngưỡng mộ. Cậu Bình hay tham gia văn nghệ ở phố, thu thập gần 60 tờ bướm bài hát (khổ nhỏ như cuốn sổ tay), cả bài hát thiếu nhi và người lớn, bạn bè trong phố thường mượn về chép lại.

Các trò chơi ngoài giờ học của trẻ con khu phố tôi thời ấy thật giản dị, hồn nhiên nhưng đầy sức hút, gắn liền với thời thơ ấu của chúng tôi và là kỷ niệm thật đẹp, khó phai mờ...

Đâu rồi những trò chơi tập thể?

Đất nước thống nhất, bước vào thời đổi mới, kinh tế và khoa học phát triển mạnh nên trẻ em dần được tiếp cận với những trò chơi mới. Ngoài những buổi ngoại khóa, trẻ em được đi tham quan nơi này nơi nọ, tới những khu vui chơi đầy đủ thiết bị, khá hiện đại. Nhưng ngoài giờ học hằng ngày, trẻ con chơi những trò gì và chơi ở đâu?

Hầu hết các khu chung cư, khu tập thể có khu vui chơi dành cho trẻ em với cầu trượt, lồng sắt và đu quay bàn... Nhưng chủ yếu vẫn là trò chơi đơn lẻ, chóng chán, bố mẹ đưa con đến vận động cơ thể nhằm phát triển thể chất. Còn trẻ em các khu phố cũ, khu phố cổ muốn chơi phải đi tìm chỗ chơi. Chưa kể ở một số nơi, khu vui chơi bị chiếm dụng làm hàng quán; nhiều khu vui chơi chỉ thấy các ông bà cao tuổi đến tập thể dục, tập dưỡng sinh.

Thực tế hiện nay cho thấy, số đông thiếu nhi, từ mẫu giáo lớn cho đến hết lớp 5 (tiểu học) hầu hết đều thích (đến độ nghiện) chơi các trò trên điện thoại, máy tính. Thằng bé hàng xóm nhà tôi, học lớp 3, khôi ngô, khỏe mạnh, bố mẹ cho đi chơi công viên nhưng khóc giẫy lên, nhất quyết đòi ở nhà chơi máy vi tính.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ: Tác động của sự gia tăng về công nghệ điện tử, điện thoại thông minh, máy tính bảng, ti vi... đang đẩy con trẻ rơi vào tình trạng cô lập với mọi thứ xung quanh, khiến sức khỏe tâm lý bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở nước ta, theo số liệu của ngành Y tế, tỷ lệ trẻ vị thành niên mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần nói chung là từ 8% đến 29% (có nguy cơ bị trầm cảm, lo âu, tự kỷ, tăng động và giảm sự tập trung)... Khi tôi viết bài này thì cậu bé lớp 3 hàng xóm đã không thể hòa nhập được với lớp, gia đình phải đưa vào trường dành riêng cho trẻ em tự kỷ.

Tôi biết nhiều ông bố bà mẹ đã đề ra quy định với con: Một ngày chỉ được sử dụng máy tính, máy điện thoại trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, họ tạo điều kiện cho con sinh hoạt tập thể cùng bè bạn với những trò chơi lành mạnh, bổ ích về trí lực và thể chất. Đó thực sự là điều tốt.

Để trẻ em phát triển bình thường, cần có sự chăm sóc đồng bộ của nhà trường, xã hội và gia đình; quan tâm sát sao đến thời gian học tập, nghỉ ngơi và đặc biệt là chú trọng đến việc vui chơi ngoài giờ của các cháu. Các trò chơi có tính chất tương tác tập thể sẽ giúp trẻ rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tăng cường tính kỷ luật, tính sáng tạo, tích cực, tự tin, sự thân thiện, lòng bao dung, bồi đắp tình cảm đạo đức, thẩm mỹ lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ những trò chơi thời thơ ấu