Chương trình hướng tới các đối tượng khán giả yêu lịch sử, văn hóa nước nhà, có nhu cầu tìm hiểu về nền giáo dục xưa và nay, qua đó khơi dậy tinh thần đạo học trong bối cảnh giáo dục hiện đại. Dự kiến, chương trình sẽ tổ chức theo hình thức chuỗi tọa đàm hằng tháng, với các chủ đề khác nhau, như: Đạo học trong giáo dục xưa; đạo học trong bối cảnh xã hội hiện đại; đạo học và tinh thần giáo dục khai phóng...
Với thời lượng 60 phút, các chương trình sẽ chia sẻ về các nội dung trong giáo dục thời xưa; sứ mệnh của Quốc Tử Giám trong việc truyền tải và gìn giữ các giá trị trên, đồng thời thảo luận về sức sống và hình thức truyền tải các giá trị trên trong bối cảnh giáo dục hiện đại.
Các chương trình sẽ được ghi hình trên nền tảng zoom, livestream trên các trang fanpage: Không gian văn hóa Quốc Tử Giám; Di tích văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cùng sự tham gia của nhiều khách mời là nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, giáo dục... uy tín.
Dự án "Không gian văn hóa Quốc Tử Giám" mới ra mắt đầu tháng 9-2021, hướng đến mục tiêu lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa nghìn năm của dân tộc; khẳng định sức trường tồn của "nhân, nghĩa, lễ, nhạc" của dân tộc Việt Nam, đã và đang được bảo tồn, gìn giữ tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những hoạt động văn hóa của dự án sẽ được Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Dự án phi lợi nhuận về văn hóa và giáo dục Gavisto Diplomat phối hợp cùng các đơn vị thực hiện, nhằm mục tiêu lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa nghìn năm của dân tộc đã và đang được bảo tồn, gìn giữ tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.