Thạch Thất phát huy hiệu quả chuỗi liên kết

Ngọc Quỳnh| 17/12/2021 08:10

(HNM) - Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao đời sống người dân, huyện Thạch Thất đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn tại xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hương Thảo

Để bảo đảm "đầu ra" cho sản phẩm, huyện Thạch Thất đã xây dựng chuỗi liên kết các mặt hàng nông sản đặc trưng. Ông Phùng Ngọc Vĩnh ở xã Bình Yên cho biết: Với quy mô hơn 300 con lợn rừng nuôi theo hướng hữu cơ theo chuỗi liên kết, sản phẩm thịt đã được tiêu thụ rộng rãi tại hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Mr Sạch, BigGreen... mỗi tháng, khoảng 1-1,2 tấn và được nhiều người tiêu dùng biết đến...

Cũng về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải Nguyễn Đỗ Ban thông tin: Từ việc phối hợp với cơ quan chức năng của huyện tìm mối liên kết tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã đã ký kết được hợp đồng với Công ty An Việt (quận Nam Từ Liêm), Công ty Minh An (quận Bắc Từ Liêm) và nhiều bếp ăn tập thể trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm. Trung bình mỗi tuần hợp tác xã cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn rau, củ, quả, giúp nâng giá trị trên 1ha canh tác đạt 300 triệu đồng/năm.

Đánh giá về hiệu quả của chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, đến nay trên địa bàn huyện đã xây dựng được 6 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm như: Chuỗi sản xuất 10ha rau an toàn và trồng 15ha khoai tây vụ xuân làm giống của Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải; nuôi lợn hương quy mô 50 con lợn nái, duy trì 300 con lợn thương phẩm ở xã Bình Yên; sản xuất rau, đu đủ tại xã Dị Nậu; lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích 30ha của các xã: Chàng Sơn, Lại Thượng, Bình Phú, Phú Kim, Kim Quan… cho thu nhập từ 333 triệu đồng đến 445 triệu đồng/ha/năm, đời sống của người nông dân đã có những chuyển biến tích cực.

Để các chuỗi tiếp tục phát huy hiệu quả, bên cạnh việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, theo ông Đỗ Xuân Nhung - chủ trang trại chăn nuôi ở xã Phú Kim thì huyện cần hỗ trợ các chủ thể tham gia chuỗi liên kết về vốn để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu, gắn mã QRcode truy xuất nguồn gốc...; đồng thời, tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại để ký kết hợp đồng với doanh nghiệp và giúp nông dân tham gia các hội chợ nông sản, quảng bá sản phẩm nông nghiệp để tìm kiếm thị trường.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan thông tin, trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm tiêu thụ ổn định các sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó là phát huy mạng lưới chợ nông thôn để tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân, kịp thời cung cấp sản phẩm an toàn với giá cả hợp lý cho người dân trên địa bàn huyện.

Còn theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, để các chuỗi phát huy hiệu quả, Thạch Thất cần làm tốt công tác dự báo về thị trường, tìm kiếm thị trường để định hướng sản xuất cả về quy mô, chất lượng và tốc độ phát triển từng loại nông sản. Mặt khác, huyện cần lồng ghép các chính sách hỗ trợ đầu tư, đưa công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch vào phục vụ sản xuất; xây dựng một số nhà sơ chế, kho lạnh, hệ thống sấy khô hạt, nhà lưới để sản xuất rau, hoa theo hướng an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thạch Thất phát huy hiệu quả chuỗi liên kết