Từ kịch bản tới vở diễn: Cần những “bà mối”

An Định| 31/03/2023 18:20

(HNMCT) - Số lượng kịch bản được công bố hằng năm không ít, hội nghề nghiệp tự hào có nhiều kịch bản chất lượng nhưng các nhà hát vẫn liên tục kêu thiếu kịch bản hay. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, theo một số chuyên gia, là sự kết nối lỏng lẻo giữa tác giả và nhà hát.

“Trái tim người Hà Nội” - vở diễn mới của Nhà hát Kịch Hà Nội, dựa theo tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh. Ảnh có tính chất minh họa.

Tưởng thừa hóa thiếu

Lâu nay, sân khấu nói chung và sân khấu Thủ đô nói riêng vẫn luôn trong tình trạng khan hiếm kịch bản hay, đặc biệt là những kịch bản “trúng” với nhu cầu của nhà hát. Chẳng hạn, Liên hoan sân khấu Thủ đô được tổ chức lần đầu vào năm 2014, đến năm 2022 đã được tổ chức tới lần thứ V nhưng hầu như kỳ cuộc nào cũng rơi vào tình trạng thiếu kịch bản về đề tài Hà Nội, đặc biệt là những vở diễn mang hơi thở cuộc sống hiện đại.

NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội từng chia sẻ: “Năm nào Nhà hát Kịch Hà Nội cũng dàn dựng 3 - 4 vở và luôn phải có vở về đề tài Hà Nội. Những năm trở lại đây, ngay từ khâu đào tạo tác giả cho sân khấu cũng gặp khó khăn vì không có thí sinh đăng ký. Chính vì vậy mà số lượng tác giả viết cho sân khấu ngày càng khan hiếm, các tác phẩm viết về Hà Nội thì càng khó có hơn. Chúng tôi rất mong các cơ quan có trách nhiệm trong ngành có chiến lược đào tạo lực lượng tác giả và lý luận cho ngành sân khấu, nếu không, các đơn vị nghệ thuật sân khấu rất khó có được kịch bản chất lượng”.

Thế nhưng, đứng ở góc độ sáng tác, các nhà biên kịch lại cho rằng kịch bản rất nhiều nhưng để được các nhà hát “để mắt” đến lại không dễ. Hằng năm, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam vẫn đều đặn tổ chức trại sáng tác kịch bản sân khấu, Hội Sân khấu Hà Nội cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ tác giả sáng tác, Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp với các đơn vị tổ chức khá nhiều cuộc thi sáng tác kịch bản... Và, hầu hết các hoạt động này đều được báo cáo là thành công về mặt số lượng. Tuy nhiên, ngay cả tác phẩm đoạt giải cũng không dễ được đưa vào dàn dựng bởi các nhà hát có tiêu chí riêng trong việc chọn vở. Năm 2021, Hội Sân khấu Hà Nội hỗ trợ sáng tác 17 kịch bản sân khấu có chất lượng tốt, thuộc nhiều thể loại như tuồng, rối, chèo và kịch nói nhưng lãnh đạo Hội thừa nhận rằng, đa số kịch bản đang ở tình trạng “đắp chiếu”.

Cần những “bà mối”

Trước tình trạng kịch bản “đầy tủ” nhưng không được các nhà hát lưu tâm, Hội Sân khấu Hà Nội đã nhiều lần tổ chức các cuộc tọa đàm nhằm tìm kiếm nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ. Tại hội thảo với chủ đề “Mối quan hệ giữa tác giả sân khấu với các nhà hát nghệ thuật Hà Nội” do Hội tổ chức vào năm 2018, nhiều tác giả đã thẳng thắn chỉ ra rằng: Mối quan hệ giữa nhà hát và tác giả hết sức lỏng lẻo, thậm chí mang dáng dấp quan hệ xin - cho. Đôi khi, để kịch bản được dựng thì "thủ tục" nhiêu khê lắm.

Mới đây, Hội Sân khấu Hà Nội lại tổ chức tọa đàm: “Giới thiệu tác phẩm kịch bản sân khấu được hỗ trợ năm 2021” nhằm mục đích “quảng bá" kịch bản sân khấu với các đơn vị nghệ thuật Thủ đô. NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho biết: “Những người làm sân khấu nói chung, sân khấu Hà Nội nói riêng, từ lâu vẫn duy trì được sự cộng tác giữa các tác giả và các nhà hát, tuy nhiên, mối quan hệ trên chỉ mang tính cá nhân chứ chưa phát triển một cách rộng rãi; chưa xây dựng được mối quan hệ khăng khít giữa các tác giả kịch bản sân khấu với các nhà hát, đơn vị nghệ thuật để khắc phục tình trạng kịch bản sân khấu hầu như “đắp chiếu”. Với nhiệm vụ và quyền hạn là một hội nghề nghiệp, nơi tập trung các hội viên là tác giả sân khấu và thành viên của các nhà hát, Hội Sân khấu Hà Nội đã nỗ lực đổi mới hoạt động, trở thành cầu nối giữa các tác giả với đơn vị nghệ thuật để tìm “đầu ra” cho các kịch bản sân khấu”. Cụ thể, tại cuộc tọa đàm này, các tác giả có cơ hội trình bày trực tiếp 17 kịch bản sân khấu do Hội hỗ trợ kinh phí sáng tác năm 2021 tới các đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật Thủ đô.

Tác giả Phạm Hữu Huề, một trong những người có kịch bản được giới thiệu, bày tỏ: “Hoan nghênh Hội đã tổ chức buổi giới thiệu tác phẩm này đến các nhà hát và các nơi tiêu thụ. Đây là việc làm không mới nhưng không nhiều nơi làm được. Tôi mong có nhiều cuộc giới thiệu như thế này nữa”. NSND Thanh Trầm cũng chia sẻ: “Hy vọng rằng, qua các buổi tọa đàm này, sẽ có nhiều kịch bản của các tác giả là hội viên sẽ được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng, giới thiệu tới công chúng để sân khấu Thủ đô ngày càng khởi sắc, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ kịch bản tới vở diễn: Cần những “bà mối”