(HNM) - Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội là một bức tranh đa sắc, mà ở đó người ta có thể tìm thấy những đặc trưng đầy tinh tế của nghệ thuật ẩm thực đất Kinh kỳ. Để thấy, những món ngon Hà Nội luôn có sức hấp dẫn đặc biệt, thật sự là "của để dành" ông cha gìn giữ, trao truyền cho hôm nay.
Con số gần 7 vạn người tham gia Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội trong 4 ngày cho thấy rất nhiều điều. Rõ ràng, ẩm thực Hà Nội luôn có sức hấp dẫn đặc biệt và mỗi người, ít nhiều, đều có thể tìm cho mình một khẩu vị riêng tại lễ hội này. Phở Thìn đến lễ hội với hương vị không thể lẫn vào đâu của xương bò hầm nhừ, quế, hồi, sá sùng, hành củ, gừng nướng đập dập… ngọt ngậy mà thanh. Ở hàng cốm Làng Vòng, rất “dịu mắt” những cô gái chụm đầu ngón tay nhón cốm. Phải tinh lắm thì thực khách mới phân biệt được trong gói lá sen ngan ngát hương thu ấy, đâu cốm lá me hay cốm rón, đâu cốm của thôn Vòng Hậu hay Vòng Sở...
Văn hóa ẩm thực là khái niệm rộng, bao hàm những tập quán và khẩu vị của con người; cung cách ứng xử và những tập tục kiêng kỵ trong ăn uống; phương thức chế biến, bày biện và thưởng thức món ăn… Văn hóa ẩm thực của người Hà Nội là sự chắt lọc tinh hoa ẩm thực các vùng miền và những món ăn, dù "du nhập" từ đâu, khi đã qua bàn tay tài hoa, tinh tế của người Hà Nội đều để lại “dấu ấn” riêng, ẩn chứa tâm hồn, tính cách Kinh kỳ. Tiếp nhận văn hóa ẩm thực thế nào là câu chuyện dài và phụ thuộc rất nhiều vào sự lịch duyệt cũng như khẩu vị mỗi thực khách. Ẩm thực Hà Nội không dừng lại ở nghệ thuật chế biến, trình bày mà rộng hơn là văn hóa ẩm thực - một di sản của văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Điều này phần nào lý giải vì sao trong chuyến công du tại Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tìm đến món bún chả bình dân của đất Hà thành. Hay như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng phu nhân trong chuyến thăm Việt Nam, trước khi về nước đã tranh thủ thời gian, dừng chân để thưởng thức bát phở Hà Nội.
Ở bất cứ góc nhìn nào, đều có thể coi nghệ thuật ẩm thực Hà Nội chính là “của để dành” tiền nhân gìn giữ, trao truyền cho con cháu hôm nay. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), nghệ thuật ẩm thực truyền thống là loại hình di sản văn hóa phi vật thể, vừa mang yếu tố tri thức dân gian, vừa có tính chất của nghề thủ công truyền thống. Ẩm thực chứa đựng những giá trị tiêu biểu như giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế, khoa học... Vì vậy, di sản văn hóa ẩm thực cần được bảo tồn, gìn giữ, phát huy.
Trong những năm qua, Hà Nội đã dành nhiều sự quan tâm về di sản ẩm thực, coi đó như một “lực hấp dẫn” thu hút khách du lịch. Gần 200 sản vật, món ngon được thống kê, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể, tạo cơ sở cho việc bảo tồn. Những phố ẩm thực được hình thành. Các lễ hội ẩm thực được tổ chức. Những điểm đến ẩm thực, món ngon Hà Nội tham gia “Hành trình quảng bá ẩm thực và đặc sản Việt Nam ra thế giới”, xuất hiện trên Kênh truyền hình CNN (Mỹ). Danh tiếng ẩm thực Hà Nội vươn ra thế giới, những phở, bún chả, bún thang... được xác nhận giá trị ẩm thực châu Á. Rồi không ít tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới bình chọn Hà Nội là “thiên đường ẩm thực”...
Thế nhưng, nghĩ dài thì cũng có không ít chuyện.
Tiến sĩ Vũ Thế Long, Thư ký Câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật ẩm thực Việt Nam cho rằng, gốc rễ của văn hóa ẩm thực Việt Nam được phát triển và củng cố trong môi trường tự nhiên và xã hội đặc trưng. Bản sắc văn hóa ấy đã được thử thách qua muôn vàn biến thiên của lịch sử để được nhận diện một cách rõ ràng. Và trong thế giới phẳng hiện nay, chúng ta sẽ học hỏi được nhiều điều mới lạ từ văn hóa ẩm thực của các nước khác và chính văn hóa ẩm thực Việt Nam sẽ phát huy giá trị trên thế giới. Tiếp biến văn hóa là một tất yếu, nhưng nếu ẩm thực của người Hà Nội không giữ được tinh hoa riêng có cũng đồng nghĩa với việc tự đánh mất “lực hấp dẫn” của chính mình.
Theo Mạng lưới Pangae, chi phí dành cho việc ăn uống của du khách châu Âu chiếm khoảng 22%, riêng khách Bulgaria chiếm tới 40% tổng chi phí cho một chuyến du lịch. Những con số này rất đáng để nghĩ! Hơn 10 năm trước, khái niệm du lịch ẩm thực đã được đề cập và nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển du lịch ẩm thực như một loại hình độc lập. Thế nhưng ở Việt Nam, ẩm thực chỉ được xem là một hoạt động trong du lịch, dù có vai trò rất quan trọng đối với du lịch. Bởi vậy, là thành phố có nền ẩm thực được xếp loại hấp dẫn nhất thế giới, câu chuyện về du lịch ẩm thực cần “ăn” vào nếp nghĩ người Hà Nội.
“Cứ đi rồi sẽ thành đường”. Với du lịch ẩm thực, các nước phát triển đã đi trước những bước dài, đường đã có, vấn đề là đi thế nào cho hợp sức mà thôi. Và dù đi với lộ trình nào chăng nữa, thì văn hóa ẩm thực Hà Nội vẫn phải giữ được bản sắc riêng có. Thứ "của để dành" đó chính là một phần của tâm hồn, cốt cách người Hà Nội.
Theo PGS.TS Hoa Hữu Lân, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, để khai thác giá trị văn hóa ẩm thực, cần xây dựng được nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Đồng thời, cùng với khôi phục, phát huy vai trò các làng nghề, nghệ nhân ẩm thực, đầu bếp giỏi để bảo tồn ẩm thực truyền thống, cần xây dựng mỗi nhà hàng, khách sạn, cửa hàng trở thành “sứ giả” quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực Hà Nội. |