Để Yên Bình là miền quê đáng sống

Ngọc Quỳnh| 05/01/2022 06:26

(HNM) - Những ngày đầu năm mới 2022, chúng tôi có dịp trở lại xã Yên Bình (huyện Thạch Thất), một trong những xã miền núi của thành phố Hà Nội, cảm nhận đầu tiên là một vùng quê đang khoác lên mình “tấm áo mới”. Bên cạnh những vườn bưởi Diễn trĩu quả là những vườn hoa ly, hoa cúc… rực rỡ sắc màu. Người dân nơi đây không chỉ tập trung phát triển kinh tế mà còn nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa, xây dựng làng quê xanh, sạch, đẹp trở thành vùng quê đáng sống.

Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) chăm sóc đường hoa trên địa bàn. Ảnh: Quỳnh Dung

Từ xây dựng không gian xanh...

Đến Yên Bình hôm nay, nhiều người ngỡ ngàng trước một vùng đất trù phú với các mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiệu quả. Sau hơn 13 năm về với Thủ đô Hà Nội, đường làng ngõ xóm ở Yên Bình đã được đầu tư khang trang, sạch đẹp và người dân nơi đây duy trì đều đặn các hoạt động bảo vệ môi trường.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Bình Đỗ Thị Kim, người dân Yên Bình không chỉ biết làm kinh tế mà còn rất có ý thức trong việc giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Chung tay làm đẹp quê hương, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Bình đã vận động hội viên chỉnh trang, dọn dẹp nhà cửa, cải tạo vườn, xây dựng các đoạn đường nở hoa... Đến nay, trên địa bàn xã đã có 10 đoạn đường nở hoa với tổng chiều dài hơn 5km... Việc xây dựng những tuyến đường này không chỉ tạo không gian xanh cho các làng quê mà còn góp phần quan trọng cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Còn ông Bùi Thanh Vân ở thôn Dân Lập (xã Yên Bình) cho biết, đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của người dân Yên Bình ngày càng được nâng cao. Hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế được đầu tư đúng tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới. Và quan trọng hơn, người dân ở đây dù là dân tộc Kinh hay Mường đều chung một mong muốn làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh từ những việc làm nhỏ nhất trong đời sống hằng ngày...

Bà Nguyễn Thị Hằng ở thôn 1 (xã Yên Bình) chia sẻ: “Khi chính quyền địa phương phát động phong trào vệ sinh môi trường hằng tuần, dù bận đến đâu, tôi cũng thu xếp công việc để tham gia tưới cây, cắt cỏ, dọn rác góp sức cùng mọi người xây dựng làng quê giàu đẹp, văn minh”.

Đánh giá về phong trào bảo vệ môi trường, xây dựng làng quê xanh, sạch, đẹp, Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần cho biết, Yên Bình là xã miền núi có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế và những nét văn hóa mang bản sắc riêng. Xã đã và đang triển khai nhiều giải pháp hướng đến xây dựng Yên Bình có môi trường xanh, sạch, đẹp, con người văn minh. Năm 2021, toàn xã đã trồng mới và trồng dặm hơn 13.000 cây ngũ sắc, 90 cây bàng Đài Loan…

...đến giữ gìn bản sắc văn hóa

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng môi trường sống xanh, xã Yên Bình còn tập trung giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm để phát triển toàn diện nông thôn mới.

“Hiện nay, không chỉ người cao tuổi mà các cháu nhỏ cũng biết biểu diễn cồng chiêng. Chúng tôi đã đưa đội cồng chiêng đi dự các liên hoan nghệ thuật dân gian do huyện và thành phố tổ chức, nhận được nhiều giải thưởng”, Trưởng thôn Dục (xã Yên Bình) Nguyễn Thị Thu cho biết. Cũng theo bà Thu, cách chơi cồng chiêng của người Mường Thạch Thất khác với các địa phương khác. Cồng của người Mường Thạch Thất có quai xách, khi chơi mỗi người xách một cồng... Tiếng cồng chiêng ngân vang trong ngày lễ, ngày Tết thay lời chúc cho gia chủ.

Còn bà Bùi Thị Tịnh ở thôn Thuống (xã Yên Bình) cho biết: Với người dân nơi đây, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ là nâng cao đời sống tinh thần mà còn để lưu giữ cho các thế hệ con cháu sau này biết và coi trọng những nét đẹp văn hóa mà ông cha để lại. Trong cuộc sống hôm nay, người Kinh hay người Mường ở Yên Bình đều chung sống hòa thuận và chung sức cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần thông tin, năm 2008 khi mới về Thủ đô, người dân trên địa bàn lo lắng văn hóa miền núi sẽ bị phai nhạt..., nhưng được thành phố và huyện đầu tư về cơ sở vật chất cũng như quan tâm mở các lớp dạy học cồng chiêng, bản sắc văn hóa của đồng bào đã được bảo tồn, phát huy. Xã Yên Bình với 10 thôn thì có tới 13 bộ cồng chiêng. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, xã tổ chức các hội thi, giao lưu văn hóa cồng chiêng để người dân các thôn học tập, khích lệ nhau gìn giữ nét văn hóa truyền thống.

Về sự thay đổi của miền quê Yên Bình, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng nhận định: Ở Yên Bình, đời sống người dân không chỉ được nâng cao với mức thu nhập bình quân năm 2021 đạt 60 triệu đồng/người mà đường làng, ngõ xóm ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn... Người dân nơi đây (40% là dân tộc Mường) đã chung sống hòa thuận và cùng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển văn hóa... giúp cho Yên Bình thực sự trở thành một miền quê giàu đẹp của Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để Yên Bình là miền quê đáng sống