Gia Lâm xây dựng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm

Ánh Dương| 30/09/2022 07:08

(HNM) - Nhiều năm nay, huyện Gia Lâm tích cực xây dựng, duy trì các chuỗi liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả, sữa bò... nhằm tăng thu nhập cho người sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Chăm sóc bò sữa tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm).

Thực hiện Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025", trong các năm 2021, 2022, huyện Gia Lâm đã triển khai thực hiện được 56/120 mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; lập 4/12 phương án chăn nuôi xa khu dân cư tại các xã: Phù Đổng, Lệ Chi, Kim Sơn, Dương Quang với diện tích 18,45ha... Để hỗ trợ nông dân, người sản xuất tiêu thụ sản phẩm ổn định, các đơn vị chức năng của huyện đã liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng thành công nhiều chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.

Giám đốc Hợp tác xã Chế biến sữa bò Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) Khúc Văn Trọng cho biết, địa bàn xã có hơn 200 hộ chăn nuôi khoảng 980 con bò sữa, trong đó có hơn 600 con đã cho khai thác sữa tươi. Những năm trước, người dân lo tìm nơi tiêu thụ sản phẩm rất vất vả, thậm chí có thời điểm, lượng sữa không tiêu thụ hết được. Do đó, năm 2015, ông Khúc Văn Trọng cùng 9 người khác góp hàng tỷ đồng và được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã thành lập Hợp tác xã Chế biến sữa bò Phù Đổng, sản xuất các sản phẩm sữa tươi, sữa chua uống, sữa chua phô mai, sữa chua nếp cẩm... Ông Hoàng Mậu Tấn ở thôn Phù Dực 2, xã Phù Đổng cho biết: "Hợp tác xã Chế biến sữa bò Phù Đồng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn với các hộ chăn nuôi bò sữa của xã. Nhờ đó, chúng tôi yên tâm chăn nuôi, không phải lo tìm nơi tiêu thụ".

Là một trong những đơn vị tích cực thực hiện việc kết nối, từ cuối năm 2016 đến nay, Hợp tác xã Nông sản sạch Tùng Anh đã giúp hàng chục hộ nông dân ở xã Đặng Xá mỗi tháng tiêu thụ ổn định 12-15 tấn rau an toàn đã qua sơ chế, đóng gói, đưa vào chuỗi siêu thị Winmart, Winmart+.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, đến nay, toàn huyện đã liên kết với các doanh nghiệp xây dựng được 6 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, cụ thể: 2 mô hình kiểm soát nội bộ chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ rau gắn với truy xuất nguồn gốc QR code tại các xã: Văn Đức, Đặng Xá; các đơn vị thu mua sản phẩm là: Siêu thị Aeon, siêu thị Metro, Công ty Thực phẩm sạch TPS Việt, Công ty Davicop, Hoàng Đông, Tập đoàn Wincommerce, Công ty Việt Phan, Tập đoàn Siêu thị Big C. Mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau thủy canh tại xã Đa Tốn với quy mô 7.500m2, do Công ty Hòa An bao tiêu sản phẩm. 3 mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây tại các xã: Yên Thường, Dương Quang, Lệ Chi với quy mô 1ha/mô hình, đơn vị liên kết thu mua là Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH Orion Việt Nam.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng, để xây dựng thành công các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, các địa phương cần hình thành mô hình trồng trọt theo hướng chuyên canh, tập trung một loại cây trồng chủ lực để thuận tiện trong việc chăm sóc, tạo sản phẩm đồng đều, bảo đảm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thu mua, tiêu thụ của các doanh nghiệp... Do đó, nông dân và các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi rất cần chính sách hỗ trợ thực hiện các mô hình hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối đầu mối bao tiêu sản phẩm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lâm xây dựng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm