Huyện Gia Lâm: Ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất rau an toàn

Sơn Tùng| 01/09/2021 07:21

(HNM) - Thời gian qua, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gia Lâm đã phối hợp với các đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai ứng dụng, xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới an toàn, hiệu quả. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để Gia Lâm xây dựng các vùng rau an toàn chất lượng cao, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Mô hình trồng dưa áp dụng các loại bẫy bả phòng trừ sâu bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm).

Nhiều mô hình hiệu quả

Xã Yên Thường là vùng sản xuất rau an toàn trọng điểm của huyện Gia Lâm với đa dạng loại rau, trong đó, mùng tơi là một trong loại rau chủ lực vào vụ xuân hè, mang đến nguồn lợi kinh tế tương đối cao cho các nông hộ. Vừa qua, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gia Lâm đã triển khai mô hình “Thử nghiệm bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang trên cây rau mùng tơi tại xã Yên Thường” nhằm giới thiệu và ứng dụng bẫy bả chua ngọt trong phòng trừ sâu hại rau, giúp nông dân sản xuất rau an toàn đạt hiệu quả cao; đồng thời, xác định hiệu quả kỹ thuật cũng như hiệu quả kinh tế của bẫy bả chua ngọt trong phòng trừ một số đối tượng sâu hại chính trên rau.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Yên Thường Nghiêm Văn Kiều cho hay, mô hình được triển khai thực hiện tại khu đồng thôn Xuân Dục, xã Yên Thường với quy mô 10 sào, trên cây rau mùng tơi. Mô hình thí nghiệm gồm 3 công thức: Công thức 1 là sử dụng bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang bằng cách đặt bả trong hộp bẫy (các đối tượng sâu bệnh khác phòng trừ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật); công thức 2 là phòng trừ sâu bệnh hại theo tập quán của nông dân; công thức 3 là đối chứng (không phun thuốc bảo vệ thực vật).

Trước khi tiến hành đặt bả 3-4 ngày, các nông hộ tham gia mô hình trộn 3kg đường đỏ + 3 lít dấm + 0,75 lít rượu + 0,75 lít nước, sau đó, khuấy kỹ để dung dịch này tan đều. Đến ngày đặt bả, các nông hộ trộn dung dịch trên với 7g (7 gói) thuốc Regent 800WG rồi khuấy đều hỗn hợp dung dịch, đem sử dụng. Mỗi tuần thay bả 1 lần; các tuần tiếp theo, quy trình làm giống tuần đầu tiên cho đến khi kết thúc thí nghiệm.

Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga nhận xét, qua thời gian thực hiện mô hình “Thử nghiệm bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang trên cây rau mùng tơi tại xã Yên Thường” cho thấy, diện tích sử dụng bẫy bả chua ngọt cho hiệu quả tốt trong phòng trừ sâu khoang trên rau mùng tơi; số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm 3 lần so với sản xuất theo tập quán của các nông hộ; chất lượng sản phẩm rau an toàn được nâng lên. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái cũng như sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Cùng với đó, phương pháp làm bẫy bả chua ngọt đơn giản, có thể tận dụng các vật liệu sẵn có trong các gia đình như chai lọ cũ, cọc tre... chi phí thấp, dễ nhân rộng nên các nông hộ đều có thể áp dụng.

Tương tự, việc áp dụng mô hình bẫy bả Methyl eugenol phòng trừ ruồi đục quả trên cây mướp hương của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gia Lâm tại xã Đặng Xá có quy mô 2ha với sự tham gia của 27 hộ cũng đạt kết quả tốt. Quá trình dùng bẫy bả đã thu được nhiều ruồi vào bẫy, hạn chế được phần lớn ruồi gây hại cho mướp hương, nhất là vào lúc cao điểm thu hoạch quả, mật độ ruồi vào bẫy giai đoạn này bình quân là 12-20 con/bẫy/2 ngày.

Bên cạnh đó, việc sử dụng bẫy bả Methyl eugenol rất thân thiện với môi trường, không gây độc hại với người sản xuất cũng như người tiêu dùng, bảo đảm được hệ sinh thái trên đồng ruộng, nhất là một số loài thiên địch bắt mồi như bọ rùa, nhện; khống chế một số đối tượng gây hại khác như: Sâu, rầy xanh, bọ trĩ; giảm được 3 lần phun thuốc trừ ruồi đục quả. Do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên nông sản áp dụng các kỹ thuật này đều đạt tiêu chuẩn an toàn và cũng là nền tảng để các địa phương sản xuất các mô hình rau hữu cơ.

Xây dựng các vùng rau an toàn, chất lượng cao

Hiện, toàn huyện Gia Lâm có hơn 600ha rau an toàn các loại, trong đó, diện tích rau đã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm có 396,64ha, đạt 62,32% diện tích và 42ha sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

Từ năm 2017 đến nay, huyện đã triển khai 120 lớp tập huấn an toàn thực phẩm, thông tin thị trường, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên rau an toàn; triển khai 41 mô hình thử nghiệm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; hình thành 5 vùng rau tập trung quy mô từ 20ha trở lên; thành lập được 125 tổ nhóm PGS để chỉ đạo giám sát nông dân cùng tham gia sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Bước đầu đã hình thành một số mô hình liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, giá trị rau, quả chuyên canh đạt 400-500 triệu đồng/ha; một số mô hình tại các xã: Kiêu Kỵ, Yên Viên, Lệ Chi... cho thu nhập từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng khẳng định, Gia Lâm hướng tới phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, hữu cơ, nên việc tăng cường huấn luyện, giúp nông dân ứng dụng thuần thục các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau màu là ưu tiên hàng đầu của địa phương. Việc nông dân được thực hành, thử nghiệm và tin tưởng vào các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới của ngành Nông nghiệp chuyển giao sẽ tạo nền tảng vững chắc để Gia Lâm xây dựng các vùng rau an toàn chất lượng cao, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Gia Lâm: Ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất rau an toàn