Một góc nhìn từ cây cầu trăm tuổi

Phương Quang| 27/05/2023 12:00

(NSHN) - Lâu nay, cầu Long Biên được xem như một trong những biểu tượng của Hà Nội. Ngoài việc cùng Thủ đô Hà Nội trải qua bao thăng trầm, biến cố trong lịch sử, cây cầu còn là địa điểm tham quan hấp dẫn du khách với những trải nghiệm lý thú. Đó là những khoảnh khắc dạo bước trên cầu chiêm ngưỡng sông Hồng cuộn chảy, với thuyền bè xuôi ngược, phóng tầm mắt tới những bờ bãi, làng xóm xa xa.

Nếu may mắn, bạn sẽ có một  cảm nhận đầy hứng khởi khi một đoàn tầu chạy qua, tạo những nhịp rung khác lạ. Nói đến cây cầu hơn trăm tuổi này, cũng là nói tới những chuyến khám phá Bãi Giữa với cảnh sắc, con người đầy hấp dẫn, trong đó có câu chuyện vui về hội những người tắm “nui”… Ngay người viết bài này cũng đã có những buổi sớm đạp xe trên cầu, đón làn gió mát, ngắm ánh bình minh đang lên trên mênh mông sông nước. Có hướng ánh nhìn xuống bên dưới, thường cũng chỉ là ngắm dòng nước đỏ mầu phù sa mùa nước lũ, êm ả trôi xuôi mùa nước cạn, ngắm bãi giữa xanh mướt ngô non, vàng tươi hoa cải. 

Ảnh: Minhquangdo.

Thật ra, ngoại trừ những người đi tập thể dục, muốn tận hưởng một không gian trong lành, thoáng đãng, thì những người hiện diện trên cây cầu chỉ dành cho người đi bộ, xe đạp, xe máy… vào lúc sáng sớm mỗi ngày đa phần là những người vất vả mưu sinh. Ai cũng tất tả, vội vàng. Và rất nhiều khả năng họ vừa đi ra từ một khu chợ mang tên cây cầu này, chợ Long Biên.

Chỉ lên khỏi dốc cầu phía Hàng Đậu một chút, từ cầu Long Biên đưa mắt nhìn xuống bên dưới ta sẽ gặp một quang cảnh tấp nập bán mua. Dù chợ hoạt động chủ yếu từ khoảng sau 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng, nhưng vào mỗi buổi sớm, khi người dân phố đi bộ, đạp xe thể dục, vẫn còn những người mua, kẻ bán cuối cùng, vẫn có thể hình dung được khung cảnh khi chợ đông đảo, sôi động nhất. 

Nếu để ý một chút, vào thời điểm ấy trên đường Trần Nhật Duật, đoạn dốc cầu đi xuống, sẽ thấy vẫn còn những chuyến xe máy chở nặng các loại rau quả, thực phẩm đi ra từ khu chợ đầu mối này. Điểm đến của những chuyến xe đó sẽ là các quầy bán hoa quả khắp ngõ phố của Hà Nội, không loại trừ những cửa hàng trưng biển hoa quả nhập ngoại.  

Ảnh: Thế Nguyễn.

Như tên gọi của nó, chợ nằm ngay dưới gầm cầu Long Biên. Từ đường Trần Nhật Duật tấp nập người xe, chỉ qua tấm biển có dòng chữ Chợ Long Biên Kính “hào” quý “hách” (chẳng biết chữ C và chữ K rụng mất từ khi nào), đã là một khung cảnh khác. Trên diện tích hàng chục ngàn mét vuông, chợ bán đủ các mặt hàng và được chia thành từng khu riêng biệt như: Thủy sản; thực phẩm gia súc, gia cầm, vàng mã… nhưng nhiều nhất vẫn là các loại trái cây mùa nào thức ấy, được đưa về đây từ mọi miền đất nước. Cũng bởi thế chợ Long Biên cho tới nay vẫn được coi là chợ đầu mối hoa quả lớn của thành phố, phục vụ nhu cầu của người Hà Nội và một số tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh…

Là một trong những chợ đầu mối lớn nhất của Hà Nội, chợ Long Biên là nơi tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Họ hầu hết là những người dân ngoại tỉnh, cư trú ngay trong một xóm nhỏ bên cạnh chợ và nằm dưới gầm cầu. Ngoài việc bốc vác hàng thuê cho chủ hàng trong chợ, cư dân xóm lao động này còn mưu sinh bằng những công việc nhặt ve chai, bán hàng rong… Với hoạt động tấp nập bán mua cùng biết bao mối quan hệ nảy sinh, chợ Long Biên không chỉ là một trung tâm thương mại, mà phần nào còn là một địa điểm mang đậm nét văn hóa đặc trưng, có sức hấp dẫn không nhỏ với du khách xa gần. Có lẽ bởi vậy, khi trải nghiệm, khám phá cầu Long Biên, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua cơ hội ghé thăm khu chợ này, như một bộ phận không thể thiếu của cây cầu già trăm tuổi.

Một buổi sáng đứng từ cầu Long biên nhìn xuống khu chợ tấp nập kẻ bán người mua này, chợt nghĩ nếu bỗng một ngày, chợ đầu mối hoa quả Long Biên vì một lý do nào đó ngừng hoạt động, nghĩa là hàng trăm con người, từ những chủ cửa hàng, những người làm công việc bốc vác, bán hàng rong, giao hàng… tạm dừng công việc hằng ngày của họ thì nếp sinh hoạt của Hà Nội sẽ ảnh hưởng ra sao?

Nghĩ vậy và thấy chợ Long Biên không chỉ gắn bó với cây cầu có tuổi đời hơn một thế kỷ mà còn là một phần không thể thiếu của nhịp sống Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một góc nhìn từ cây cầu trăm tuổi