Sống đẹp

"Người độc hành" Đoàn Thị Tình

Bảo Châu 03/07/2023 - 14:20

Hơn nửa thế kỷ qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) - Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Đoàn Thị Tình âm thầm, lặng lẽ cống hiến để tôn vinh vẻ đẹp của trang phục truyền thống trên sân khấu nước nhà. Ghi nhận nỗ lực và những đóng góp của bà, mới đây, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam đã trao tặng bà Giải thưởng Đào Tấn danh giá.

ba-tinh1.jpg

1. Có mặt trong buổi lễ trao Giải thưởng Đào Tấn vừa qua, tôi đã được chứng kiến phút giây hạnh phúc của PGS.TS - NSƯT Đoàn Thị Tình trong sự kiện đặc biệt này. Hôm đó bà vận bộ áo dài nhung rất đẹp, khuôn mặt rạng rỡ cùng nụ cười tươi tắn. Thỉnh thoảng gặp lại người quen cũ, nhận được lời chúc mừng, bà lại gạt tay lau nước mắt.

Có lẽ, điều khiến bà day dứt nhất là người “đầu gối tay ấp” của bà - nhạc sĩ Lê Huy (từng công tác tại Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) không thể sống đến giờ phút này để hưởng niềm hạnh phúc cùng bà. Trong cuộc đời làm nghệ thuật, bà đã nhận được nhiều giải thưởng nhưng có lẽ đây là giải thưởng vinh dự và cao quý nhất, giải thưởng mang tên “vua tuồng” Đào Tấn.

“Cụ Đào Tấn đã để lại di sản tuồng vô cùng to lớn, còn tôi là người nghiên cứu mỹ thuật sân khấu, trong đó có sân khấu tuồng. Bởi thế, tôi coi việc nhận giải thưởng này như một cái duyên, một món quà mà cụ Đào Tấn dành cho mình” - NSƯT Đoàn Thị Tình nói.

Chia sẻ với chúng tôi bên lề lễ trao giải, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Đào Tấn cho biết: “NSƯT Đoàn Thị Tình đã có gần 60 năm theo đuổi nghề thiết kế mỹ thuật sân khấu, là nhà nghiên cứu trang phục truyền thống dân tộc và các ngành nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh uy tín bậc nhất Việt Nam. Bà được kính trọng, yêu mến vì sự gần gũi, khiêm nhường và tận tụy hết mình với đồng nghiệp. Hơn 80 tuổi nhưng bà vẫn say sưa với sự nghiệp đào tạo đại học và trên đại học về phục trang, mỹ thuật sân khấu và vẫn nhận làm thiết kế mỹ thuật cho sân khấu, điện ảnh. Đây là một tấm gương sáng cho các nghệ sĩ và các nhà nghệ thuật học nhiều thế hệ. Đồng thời, chúng tôi cũng đặt ra sự lo lắng về thế hệ kế cận trong việc nghiên cứu trang phục sân khấu vì suốt bao nhiêu năm qua bà vẫn “độc hành” trên hành trình này”.

2. NSƯT Đoàn Thị Tình đến với việc nghiên cứu, sáng tác và giảng dạy mỹ thuật sân khấu hoàn toàn ngẫu nhiên. Những năm 60 của thế kỷ trước, bà theo học Trường Trung cấp Mỹ thuật Hà Nội, sau đó bà về công tác tại Đoàn Múa rối Trung ương (nay là Nhà hát Múa rối Việt Nam) với vai trò vừa là diễn viên, vừa tạo hình con rối. Sau đó, bà được cử đi học chuyên ngành Mỹ thuật sân khấu tại Trường Đại học Sân khấu Tiệp Khắc. Về nước vào năm 1980, bà được phân công về công tác tại Viện Nghiên cứu Sân khấu.

“Nghiên cứu lúc nào cũng là công việc không dễ dàng, nhất là khi bắt đầu làm quen. Nghiên cứu luôn cần sự kiên trì, nhẫn nại, cần kiến thức chuyên môn sâu, sự đam mê, yêu nghề. Tôi mò mẫm nghiên cứu công trình “Tìm hiểu trang phục Việt Nam” với rất nhiều khó khăn nhưng rồi đến năm 1987, cuốn sách mang tên công trình đã ra đời, dấu mốc quan trọng đầu tiên trong sự nghiệp của tôi” - NSƯT Đoàn Thị Tình bộc bạch.

ba-tinh2.jpg
Một số tác phẩm của NSƯT Đoàn Thị Tình.

Kể từ cuốn sách “Tìm hiểu trang phục Việt Nam”, đến nay, NSƯT Đoàn Thị Tình đã cho ra mắt hàng chục cuốn sách, công trình nghiên cứu liên quan đến mỹ thuật, trang phục của Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, từ đời sống đến sân khấu, như “Trang phục Việt Nam”, “Trang phục Thăng Long - Hà Nội”, “Hóa trang mặt nạ sân khấu tuồng”, “Tính dân tộc trong trang phục sân khấu”, “Mỹ thuật sân khấu tuồng truyền thống”, “Trang phục người Việt xưa - nay”, “Sắc phục thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt”, “Mỹ thuật sân khấu Việt Nam”...

Đặc biệt, vừa qua, Hội đồng Giải thưởng Đào Tấn đã tôn vinh bà với 3 công trình nghiên cứu: “Trang phục người Việt xưa - nay”, “Hóa trang mặt nạ sân khấu tuồng”, “Mỹ thuật sân khấu Việt Nam”. Được biết, trong thời gian tới, Nhà xuất bản Sân khấu chuẩn bị in cuốn sách “Văn hóa nghệ thuật Việt Nam - Mạch nguồn và phát huy” của bà.

NSƯT Đoàn Thị Tình bảo, bà làm việc theo lương tâm, trách nhiệm và lòng đam mê. “Đây là công việc rất kỳ công, vất vả, lại chưa có ai “chỉ đường dẫn lối”. Tôi chẳng nhớ nổi bản thân đã phải đi điền dã đến các vùng sâu, vùng xa biết bao nhiêu lần để tìm kiếm tư liệu viết về trang phục cổ tại các đền, chùa, vùng dân tộc thiểu số. Hơn nữa, các thể loại sân khấu cổ truyền của Việt Nam luôn đòi hỏi sự cầu kỳ trong vẽ mặt và trang phục để truyền tải được sự sang trọng vốn có trong tính chất nghệ thuật của nó. Điều đó đồng nghĩa với việc chi phí rất tốn kém, trong khi sự đầu tư của Nhà nước là có hạn, vậy nên tôi phải co kéo để khán giả còn thấy đúng dáng dấp của cái áo tứ thân, áo dài ở mức chấp nhận được” - bà chia sẻ.

3. Hiện đã 80 tuổi nhưng NSƯT Đoàn Thị Tình vẫn ngược xuôi với những chuyến công tác dài ngày, với những buổi đi dạy, hướng dẫn nghiên cứu đề tài trang phục tại các trường đại học trên địa bàn Thủ đô như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Viện Đại học Mở Hà Nội... “Điều mà tôi trăn trở nhất là hiện nay khó đào tạo được lực lượng kế cận trong nghiên cứu mỹ thuật sân khấu. Các em đi được nửa chặng đường thì bỏ dở, phần vì kiến thức khó, nghiên cứu vất vả, phần vì chính sách, đãi ngộ còn nhiều hạn chế. Thực sự thì theo nghề này mà không có đam mê, không có cái duyên và cả cái nghiệp thì không thể đi đến tận cùng được. Tôi thương, thấu hiểu và rất cảm thông với những học trò của mình” - NSƯT Đoàn Thị Tình nhấn mạnh.

Cũng theo NSƯT Đoàn Thị Tình, nhiều thông tin, dữ liệu trong lĩnh vực trang phục cổ truyền từ thế kỷ XX đã không còn, gây ra sự đứt mạch trong việc phân tích, tổng hợp nên thời gian mà bà dành cho một công trình tổng kết phải mất đến 10 năm. Chính vì thế, bà bảo, từ thế kỷ XXI - thời điểm chuyển giao áp dụng kỹ thuật số, bà không nghiên cứu nữa mà để lại cho thế hệ sau. Hơn ai hết, bà hiểu rằng, trang phục đời sống cũng như trang phục trên sân khấu biến đổi theo xu thế của thời đại nhưng vẫn phải giữ được nét truyền thống của người Việt. Nền sân khấu nước nhà được thổi “luồng gió mới” nhờ công tác xã hội hóa, sẽ phát triển hơn nữa, nhưng điều mà bà trăn trở là đổi mới thế nào để vẫn giữ được giá trị truyền thống trong trang phục, bởi đó mới chính là điều căn cốt của nền sân khấu nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Người độc hành" Đoàn Thị Tình