Sóc Sơn đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp

Hoàng Sơn| 18/04/2022 07:50

(HNM) - Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Cách làm này đang được huyện Sóc Sơn đẩy mạnh nhằm hình thành các vùng nông nghiệp chuyên canh khép kín, tăng thu nhập cho nông dân.

Mô hình liên kết sản xuất chè an toàn ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đức Duy

Từ năm 2020 đến nay, nhiều hộ dân ở xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn) tham gia mô hình liên kết sản xuất rau hữu cơ. Toàn bộ sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Ông Khổng Văn Lai - người dân xã Trung Giã cho biết: "Khi tham gia mô hình liên kết sản xuất, nông dân được hỗ trợ giống, phân bón hữu cơ và tập huấn kỹ thuật, nông sản được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt, 4 sào rau của tôi cho thu nhập 5-6 triệu đồng/sào/vụ, gấp 3-4 lần cấy lúa”.

Trong khi đó, tận dụng địa thế đồi gò, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn (xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) phát triển mạnh mô hình liên kết sản xuất chè an toàn. Giám đốc Hợp tác xã Đào Thị Quý cho biết, đơn vị có 30 thành viên tham gia, sản xuất gần 100ha chè. Hợp tác xã đóng vai trò liên kết các hộ tham gia sản xuất ở tất cả các khâu như giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật, chăm sóc cây trồng... Hiện chè an toàn Bắc Sơn được cấp chứng nhận VietGAP và nhãn hiệu tập thể giúp tiêu thụ thuận lợi hơn…

Ngoài 2 chuỗi liên kết trên, tại địa bàn huyện Sóc Sơn hiện còn phát triển được khoảng 15 mô hình liên kết sản xuất khác. Tiêu biểu như mô hình sản xuất rau hữu cơ của Hợp tác xã Rau hữu cơ Thanh Xuân, mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 1.000 tấn rau, củ, quả, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng. Hiện tại, Hợp tác xã đang ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ với 12 công ty và 45 điểm bán hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hay như mô hình trồng hoa nhài ở các xã Phù Lỗ và Đông Xuân cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến chè xuất khẩu, doanh thu đạt hàng trăm tỷ đồng/năm…

Bên cạnh đó, huyện Sóc Sơn cũng tập trung quản lý tốt các nhãn hiệu tập thể gắn với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, như: Bưởi sạch Sóc Sơn, nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, gà đồi Sóc Sơn...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng khẳng định: Sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đang là hướng đi đúng, giúp nâng cao giá trị cây trồng và thu nhập ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các mô hình liên kết sản xuất ở huyện Sóc Sơn còn nhỏ lẻ, phân tán nên chưa tạo được nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Ngoài ra, sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ vẫn bị cạnh tranh thiếu lành mạnh với sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, do vậy, sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa khuyến khích được nông dân mở rộng mô hình liên kết.

Để chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng kiến nghị, thành phố hỗ trợ địa phương phát triển công nghiệp chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó, có chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực đưa công nghệ cao vào sản xuất theo hướng khép kín nhằm giúp nông dân chủ động sản xuất, tạo thuận lợi hơn nữa trong khâu tiêu thụ nông sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Sơn đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp