Tạo ''đòn bẩy'' giúp Ứng Hòa phát triển

Nguyễn Mai| 05/11/2021 07:36

(HNM) - Hiện, kinh tế huyện Ứng Hòa chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp, còn công nghiệp, thương mại, dịch vụ vẫn giữ vị trí “khiêm tốn”. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của huyện gặp nhiều khó khăn. Để tạo đột phá mới, đưa Ứng Hòa trở thành một huyện trung tâm động lực phát triển phía Nam của thành phố Hà Nội, rất cần những “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang rau tại xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa) mang lại hiệu quả cao.

“Rào cản” về cơ sở hạ tầng

Ứng Hòa là vùng trồng lúa chất lượng cao và chăn nuôi thủy sản. Toàn huyện có khoảng 8.359ha trồng lúa, trong đó 61% diện tích canh tác là các giống chất lượng cao, trong khi diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 4.070ha, sản lượng ước đạt 28.845 tấn. Các vùng trồng lúa và nuôi thủy sản của huyện được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và bước đầu xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, như: Chuỗi gạo chất lượng cao Khu Cháy, chuỗi thủy sản Trầm Lộng... Tuy vậy, nông nghiệp Ứng Hòa vẫn còn nhiều hạn chế, khi sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, chưa qua chế biến; thiếu liên kết chuỗi; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư...

Việc phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Ứng Hòa hiện có 21 làng nghề, 778 doanh nghiệp, 3 cụm công nghiệp nhưng đa phần là quy mô nhỏ, chưa đóng góp nhiều vào sự phát triển của huyện. Trong cơ cấu kinh tế của Ứng Hòa, nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao 36,1%, công nghiệp xây dựng 27,7%, thương mại dịch vụ 36,2%. Thu nhập bình quân đầu người của huyện còn thấp so với mặt bằng chung của các huyện trên địa bàn thành phố, chỉ đạt 54,3 triệu đồng/năm.

Theo Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Duy Chuyên, xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2021 nhưng đến nay vẫn còn các tiêu chí về trường học, cơ sở văn hóa chưa được đầu tư để đạt chuẩn.

Dưới góc độ toàn huyện, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn cho biết: “Rào cản” đối với kinh tế - xã hội của Ứng Hòa là cơ sở hạ tầng chưa phát triển nên khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Cụ thể, từ trung tâm thành phố về Ứng Hòa chỉ có quốc lộ 21B nhưng tuyến đường này nhỏ hẹp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trong khi đó, trục đường phía Nam thành phố mới thi công đến huyện Thanh Oai chưa triển khai đến huyện Ứng Hòa… Chưa kể, các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà văn hóa vẫn còn thiếu hoặc xuống cấp, cần được đầu tư”.

Tạo đột phá mới

Tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” với Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa ngày 28-10 mới đây, huyện Ứng Hòa đề nghị thành phố quan tâm tạo điều kiện cho địa phương đầu tư các công trình hạ tầng, tạo đột phá mới để Ứng Hòa phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới; đồng thời hỗ trợ huyện phát triển các chuỗi liên kết nông sản, mời gọi đầu tư trên địa bàn…

Về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, Ứng Hòa nên tập trung phát triển nông nghiệp gắn với chế biến. Đối với các sản phẩm nông nghiệp, phải sản xuất theo quy chuẩn mới, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của siêu thị và kênh tiêu thụ hiện đại. Đặc biệt, khách du lịch đến chùa Hương (huyện Mỹ Đức) đa số đi qua huyện Ứng Hòa, do đó, huyện nên xây dựng các trung tâm bán nông sản - đặc sản để thu hút du khách.

Về nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Tiến Thiết cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã hỗ trợ huyện Ứng Hòa 3.400 tỷ đồng. Năm 2021, thành phố tiếp tục hỗ trợ khoảng 672 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới. Do đó, huyện Ứng Hòa cần sớm hoàn thiện quy trình thủ tục để triển khai các dự án đã được thành phố phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Với các công trình đầu tư xây dựng thuộc nhiệm vụ chi của huyện như trường chuẩn quốc gia, trong trường hợp huyện khó khăn, huyện cần tổng hợp báo cáo để Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành tham mưu với thành phố phương án giải quyết.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, các sở, ngành của thành phố và huyện Ứng Hòa tập trung vào quy hoạch vùng bởi đây là cơ hội để huyện phát huy lợi thế là vùng trung tâm phía Nam của thành phố. Công tác quy hoạch phải tập trung vào phát triển mạng lưới giao thông; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với tái cơ cấu, chuyển từ trồng lúa sang các sản phẩm nông nghiệp lợi thế khác; quy hoạch các khu, cụm công nghiệp... để sau 3-5 năm nữa sẽ tăng thu ngân sách cho địa phương; quy hoạch phát triển đô thị, các cụm dân cư mới... để thúc đẩy huyện vươn lên trở thành huyện nông thôn mới của thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo ''đòn bẩy'' giúp Ứng Hòa phát triển