Thanh Trì nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã

Ngọc Quỳnh| 18/01/2021 07:27

(HNM) - Từ khi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, trên địa bàn huyện Thanh Trì xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tạo ra nhiều nông sản an toàn, bảo đảm chất lượng và được sản xuất theo chuỗi liên kết nên đầu ra ổn định.

Chăm sóc rau quả sạch tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì). Ảnh: Hải Anh

Trên diện tích hơn 15ha, Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (xã Đại Áng) đang đầu tư áp dụng mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” với quy mô 15 bể nuôi. Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng Nguyễn Văn Thiêm cho biết, các bể nuôi được lắp thiết bị máy sục khí, máy hút chất thải, hệ thống nước trắng, xử lý nước thải, ô xy hóa... nhờ đó, cá sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình sản lượng đạt khoảng 300 tấn cá/năm, doanh thu hơn 7 tỷ đồng/năm, cao hơn 1,8 lần so với nuôi cá theo phương pháp truyền thống.

Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (xã Yên Mỹ) chia sẻ, sau khi thành lập (năm 2017) với 100 thành viên, đơn vị đã đẩy mạnh phát triển mô hình trồng rau thủy canh trên diện tích khu nhà lưới rộng 2.600m2 ứng dụng công nghệ hiện đại của Israel, trong đó có 1.000m2 dưa lưới, còn lại là các chậu rau thủy canh (cải, dền, muống, mồng tơi, mướp...) đều bảo đảm chất lượng. Đến nay, hợp tác xã đã ký kết bao tiêu sản phẩm với các siêu thị, bếp ăn tập thể, sản lượng 450 tấn/tháng, doanh thu đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm.

Đánh giá hiệu quả của các mô hình chuyển đổi hợp tác xã, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, hiện nay, huyện có 39 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm khoảng 60,5% tổng số hợp tác xã trong toàn huyện. Năm 2020, Thanh Trì thành lập mới 2 hợp tác xã, hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Từ khi chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, các hợp tác xã mạnh dạn đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, các hợp tác xã cũng kịp thời thích ứng với nền kinh tế thị trường, từng bước liên doanh, liên kết với các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể để tiêu thụ. Nhờ vậy, sản phẩm của hợp tác xã nâng cao giá trị, ổn định đầu ra nên thành viên yên tâm đầu tư sản xuất.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hiện nay, các hợp tác xã còn gặp một số khó khăn trong tiếp cận thị trường và ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp, bếp ăn tập thể, siêu thị... Theo ông Đặng Bá Thắng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lan (xã Duyên Hà), do các siêu thị, cửa hàng tiện ích yêu cầu cung cấp thường xuyên nhiều chủng loại rau và lượng hàng để bán cho người tiêu dùng nên sự liên kết chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Để các hợp tác xã phát triển, rất cần các ngành chức năng hỗ trợ trong xây dựng chuỗi liên kết, hình thành vùng chuyên canh từng loại rau theo yêu cầu nhằm bảo đảm số lượng và thị hiếu tiêu dùng; đồng thời, có chính sách quảng bá thương hiệu để mở rộng thị trường cho sản phẩm rau sạch...

Để tạo động lực cho các hợp tác xã phát triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, huyện tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã trong các khâu: Xây dựng chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại để sản phẩm của hợp tác xã được tham gia các hội chợ trên địa bàn thành phố. Mặt khác, huyện tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng mở một số lớp tập huấn nâng cao kỹ năng tiếp cận thị trường để các hợp tác xã có phương án sản xuất - kinh doanh phù hợp. Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ các bên trong khâu kết nối, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Trì nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã