Theo dấu khảo cổ, tìm lại Hà Nội xưa

Anh Thư| 11/06/2020 21:12

(HNMCT) - Ngược dòng lịch sử, theo bước chân các nhà khảo cổ học tìm hiểu không gian sống của cư dân thời nguyên thủy trên mảnh đất này sẽ thấy dòng chảy mạnh mẽ của văn hóa vùng Hà Nội từ xa xưa đến nay.

Tiếp tục khẳng định những giá trị quý báu đó, mong mỏi của giới nghiên cứu là sớm có bản đồ quy hoạch khảo cổ học để Hà Nội có thể giữ gìn, phát huy nguồn tài nguyên văn hóa này.

Các em học sinh tham quan và học tập ở di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Dấu chân tiền nhân thời tiền - sơ sử

Những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, ở khu phía đông thành Cổ Loa, khi người dân đào huyệt mộ tại Đầm Cả đã làm lộ ra một số viên cuội có vết gia công ghè đẽo của con người. 

Trong chương trình điều tra khảo cổ học và khai quật ở Cổ Loa lần thứ tư (tháng 3-1983), do cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, PGS.TS Hoàng Văn Khoán dẫn đầu, người ta tìm thêm được hơn 20 công cụ cuội ở các bậc thềm sông cổ Đầm Cả, Đường Rìu, xóm Cưu... (Cổ Loa). Các di vật này là công cụ chặt, nạo/ cắt tạo lưỡi ở rìa cạnh bằng kỹ thuật ghè đẽo thô sơ, dùng nguyên liệu đá nham thạch có khả năng được người nguyên thủy lựa tìm ở phía bắc Cổ Loa. 

Những đợt điền dã khai quật sau đó của các nhà khảo cổ học ở vùng đồi gò Ba Vì, trên những triền đồi phía bắc huyện Sóc Sơn, khu di tích Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội), ở đền Thượng Cổ Loa... cũng thu được nhiều công cụ cuội ghè đẽo có tuổi cách ngày nay khoảng 20.000 năm. Đó là những chứng tích vật chất xưa nhất hiện biết về hoạt động của con người trên mảnh đất Hà Nội ngày nay được những “nhát cuốc” của giới khảo cổ học làm xuất lộ.

Sau lớp văn hóa Sơn Vi (cách ngày nay khoảng 20.000 năm) là những dấu tích đặc trưng nhất của nền văn hóa Hòa Bình ở Hà Nội đã được ghi nhận khi cố Giáo sư Trần Quốc Vượng và cố Giáo sư Từ Chi phát hiện dấu vết cư trú (vỏ trai, ốc sông biển nhuốm thổ hoàng, xương thú gần hóa thạch, mảnh cuội chày nghiền) trên bề mặt hàng loạt hang động ở Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) vào tháng 3-1974.

Phát hiện quan trọng này đã đưa ra ánh sáng di tồn của tiền nhân cùng những bằng chứng vật thể khẳng định quá trình lao động khai phá của cư dân bên bờ “vịnh cổ” Hà Nội ngày nay. Rõ ràng, 4.000 năm trước, đây đã là vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn và màu mỡ với hệ thống sông ngòi dày đặc, thuận lợi để phát triển nghề trồng lúa nước. Hệ sinh thái - sản xuất này là nền tảng cho các lớp văn hóa thời tiền Đông Sơn và Đông Sơn phát triển nối tiếp nhau. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy bằng chứng vật chất về sự định cư liên tục của con người tại các làng cổ từ thời tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun) cho đến thời văn hóa Đông Sơn. 

Ở xung quanh khu vực Hà Nội, hàng loạt địa điểm quan trọng thuộc văn hóa tiền Đông Sơn - Đông Sơn đã được khai quật ở Văn Điển, gò Cây Táo, mộ thuyền sông Tô, gò Chùa Thông, Đại Áng (Thanh Trì). Người Hà Nội trong thời đại kim khí đã chiếm lĩnh gần như sớm nhất những đồng bằng màu mỡ ở trung tâm châu thổ Bắc Bộ. Điều này được chứng minh đầy thuyết phục.

Di sản dưới lòng đất

Năm 1010, kinh đô được dời từ Hoa L­ư ra Đại La và đổi tên là Thăng Long. Vùng đất Thăng Long - Hà Nội bư­ớc vào thời kỳ văn minh Đại Việt liên tục, mạnh mẽ hơn một nghìn năm và tiếp nối không ngừng đến ngày nay. Theo bước chân của các nhà khảo cổ học, những dấu tích thành lũy, cung điện, chùa tháp, đền đài, lò gốm... dần phát lộ đã phác nên diện mạo Kinh đô Thăng Long với những thăng trầm. Chúng ta được biết rằng còn có một “Hà Nội trong lòng đất” bên cạnh thư tịch về lịch sử Hà Nội.

Từ năm 1959, kho mũi tên đồng ở Cầu Vực (Cổ Loa) được phát hiện đã gây sửng sốt cho giới khảo cổ. Hàng loạt di chỉ như Đồng Vông, Bãi Mèn, Đường Mây, Đình Tràng, Tiên Hội, Xuân Kiều, thành Cổ Loa được khai quật nhiều lần, đem lại nhận thức mới về diện mạo văn hóa vùng đất Cổ Loa từ cách đây 4.000 năm - 2.000 năm.

Trước năm 1954, khi xây dựng các công trình trong khu vực nội thành Hà Nội, từ vườn Bách Thảo đến đê Bưởi, các làng Ngọc Hà, Vạn Phúc, Hữu Tiệp, Kim Mã (Ba Đình) cũng đã làm xuất lộ khá nhiều vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc mang phong cách Lý - Trần cùng hàng vạn mảnh gốm, sứ. Năm 1973, tại công trường xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người ta phát hiện một đoạn tường thành Hà Nội thời Nguyễn, giếng và nhiều di vật có niên đại thế kỷ VII - IX. Cho đến những năm 2000, hàng loạt địa điểm đã được khai quật như: Khu vực Quần Ngựa, hồ Ngọc Khánh, số 5 Hoàng Diệu, 11 Lê Hồng Phong, Hậu Lâu, Đoan Môn, Bắc Môn, Văn Miếu, Tràng Tiền Plaza, 47 Hàng Dầu..., làm hé lộ bằng chứng vật chất mới. 

Đặc biệt, năm 2002 - 2003, khu di tích Hoàng thành Thăng Long phát lộ, được khai quật và nghiên cứu, góp phần khôi phục diện mạo Thăng Long - Hà Nội suốt chiều dài lịch sử. Cuộc khai quật khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã đem lại cho Thủ đô một Di sản văn hóa thế giới. Sau đó, năm 2006, hai di tích quan trọng khác là đàn Xã Tắc và đàn Nam Giao phát lộ. Qua khối tư liệu, hiện vật đồ sộ ẩn sâu trong lòng đất, các nhà khảo cổ học dần “giải mã” những bí ẩn của lịch sử, phác dựng lại diện mạo một kinh đô ngàn năm văn hiến, phồn thịnh qua các triều đại.

Tín hiệu tốt về sự hài hòa giữa “bảo tồn” và “phát triển”

“Trữ lượng” phong phú và giá trị to lớn của di sản khảo cổ học ở vùng Hà Nội đã được khẳng định. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, mở rộng Thủ đô, nhiều di sản dưới lòng đất biến mất nhanh chóng trước khi được phát hiện, nghiên cứu. 

Những giá trị quý báu về nhiều mặt, đặc tính dễ bị tổn thương và không thể tái tạo của các di tích khảo cổ đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xác định được bản đồ quy hoạch khảo cổ học cho vùng Thủ đô - ở tầm nhìn rộng và dài hơn là cho cả quốc gia. Bản đồ quy hoạch khảo cổ học đó sẽ xác định vị trí, quy mô và giá trị của các di tích khảo cổ học cần được bảo vệ và có quy hoạch nghiên cứu phát huy giá trị một cách lâu dài. Đồng thời, qua việc nghiên cứu và xây dựng bản đồ quy hoạch khảo cổ học, chúng ta sẽ xác định những khu vực có di tích khảo cổ học quan trọng và đề ra quy định riêng cho khu vực đó.

Gần đây, ở Hà Nội đã có tín hiệu tốt theo hướng nói trên. Sau hơn nửa thế kỷ âm thầm “ngậm ngùi” vì nhiều lần bị xâm hại, đến nay, những giá trị đặc sắc và độc đáo của khu di chỉ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) đã được khẳng định và UBND Thành phố quyết định chọn phương án bảo tồn một phần khu di chỉ. Với những động thái tích cực từ nhiều phía (chính quyền, ngành Văn hóa, nhà khoa học, chủ đầu tư, doanh nghiệp) và sự chung tay chia sẻ của cộng đồng người dân Lai Xá, chúng ta có hy vọng nhìn thấy một hình mẫu mà ở đó bảo tồn văn hóa - lịch sử - khảo cổ đã cộng hưởng với sự phát triển của đô thị hiện đại. 

Rõ ràng, khi có sự “đối thoại” và nỗ lực tìm ra phương án tốt nhất, hài hòa giữa bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản, nhất là trong bối cảnh quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, chúng ta tin tưởng rằng di sản sẽ “sống”, từ đó lan tỏa tinh thần này tới nhiều di sản khác, để cùng nhau cất tiếng nói về một Thủ đô văn hiến nghìn đời - nguồn lực mạnh mẽ cho một thành phố sáng tạo trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Theo dấu khảo cổ, tìm lại Hà Nội xưa