Hà Nội 360

Tự hào làng nón Vĩnh Thịnh

Nguyễn Mai 07/07/2023 - 07:00

Qua bàn tay khéo léo, những người thợ Vĩnh Thịnh biến mo nang, lá cọ… thành chiếc nón xinh xắn. Nón Vĩnh Thịnh chẳng những che nắng mưa mà còn tạo nên nét duyên dáng cho người phụ nữ khắp mọi miền Tổ quốc.

non-vinh-thinh-4.jpg
Nghề khâu nón phù hợp với người dân và cho thu nhập khá trong những lúc nông nhàn.

Người dân ở Vĩnh Thịnh (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì) không ai nhớ nghề làm nón quê mình có từ khi nào. Chỉ biết rằng, đời cha nối đời con, bao năm qua người làng vẫn giữ nghề truyền thống. Qua bàn tay khéo léo, những người thợ Vĩnh Thịnh biến mo nang, lá cọ… thành chiếc nón xinh xắn. Nón Vĩnh Thịnh chẳng những che nắng mưa mà còn tạo nên nét duyên dáng cho người phụ nữ khắp mọi miền Tổ quốc.

Đến Vĩnh Thịnh ngày này, trong những nếp nhà, không khó bắt gặp những bà, những chị ngồi khâu nón. Không cần nhà xưởng, vốn liếng, dụng cụ cầu kỳ; thời gian làm bất cứ khi nào rảnh rỗi…, nghề khâu nón phù hợp và cho người dân thu nhập khá trong những lúc nông nhàn.

Bà Vũ Thị Du, ở thôn Vĩnh Thịnh, đã có hơn 50 năm miệt mài khâu nón, cho biết: “Tôi làm nón từ ngày còn rất nhỏ. Quen tay đến mức vừa khâu vừa nói chuyện, đường kim mũi chỉ vẫn đều tăm tắp. Hiện mỗi ngày tôi khâu được 4 cái nón, trừ chi phí được khoảng 200 nghìn đồng tiền công”, bà Du nói.

non-vinh-thinh-2.jpg
Mỗi ngày khâu nón, người cao tuổi ở Vĩnh Thịnh cũng có thể kiếm được 200 nghìn đồng tiền công.

Ông Nguyễn Văn Khái - cùng thôn Vĩnh Thịnh vui chuyện: Năm 1984, lúa sắp chín thì bị mưa ngập. Những hộ có nhiều lao động còn đi vớt được lúa, hộ thiếu lao động thì mất trắng. Khi đó, nhờ có nghề làm nón nên người dân vẫn có “miếng ăn”. Cũng từ đó mà người dân Vĩnh Thịnh rất biết ơn nghề này.

Để tạo ra một chiếc nón, cần rất nhiều công đoạn. Lá cọ non sau khi mua về được phơi nắng, tiếp tục qua các công đoạn vò, sấy, là cho phẳng. Làm nón phải chọn lá, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ, quang dầu… Mỗi công đoạn đều thể hiện sự kỳ công, cần mẫn và tinh tế của người làm nghề.

Nếu như trước kia, tất cả công đoạn đều được làm thủ công thì hiện nay đã có máy móc hỗ trợ. Người dân không phải đốt than để là lá, mà dùng điện; khâu vò lá cũng bằng máy nên đỡ vất vả hơn. Một người cần khoảng 3 giờ để hoàn thành 1 chiếc nón “hàng kỹ” với giá bán 130 nghìn đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Thịnh Nguyễn Bá Ky cho biết: Thôn hiện có khoảng 1.000 hộ, trong đó có khoảng 400 hộ (tương ứng với 600 người) làm nón. Đầu những năm 2000, nghề làm nón thịnh vượng, nhiều gia đình phất lên nhanh chóng nhờ nghề này. Hiện nay, lực lượng làm nón ở Vĩnh Thịnh chủ yếu là người hết tuổi lao động, làm nghề để có thêm thu nhập. Ngoài nón đội đầu thông thường, các hộ còn làm các dòng nón nghệ thuật: Nón thêu hoa, thêu cờ đỏ sao vàng, nón trang trí có đường kính nhỏ phục vụ khách du lịch.

non-vinh-thinh-3.jpg
Làng nón Vĩnh Thịnh có khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm quy trình làm ra một chiếc nón.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Bá Ky, năm 2020, Vĩnh Thịnh đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống”. Sau khi được công nhận, huyện Thanh Trì đã hỗ trợ Vĩnh Thịnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, logo và quảng bá cho sản phẩm; xã Đại Áng hỗ trợ thành lập Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp sản xuất và thương mại dịch vụ nón lá Vĩnh Thịnh. Xã cũng hỗ trợ khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề trên vị trí của nhà văn hóa thôn. Nhờ đó, sản phẩm nón lá Vĩnh Thịnh được nhiều người biết đến.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp sản xuất và thương mại dịch vụ nón lá Vĩnh Thịnh, từ khi thành lập đến nay, hợp tác xã đã chủ động tìm hiểu thị trường, hướng dẫn người dân sáng tạo nhiều mẫu mã, kích thước nón lá theo nhu cầu sử dụng và thị hiếu khách hàng.

Thông qua các chương trình hỗ trợ quảng bá thương hiệu, hội chợ thương mại, các trang thương mạng điện tử, xã Đại Áng đã đưa sản phẩm nón lá đến với người tiêu dùng trong nước, quốc tế và được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Năm 2022, sản phẩm nón lá của hợp tác xã được đánh giá OCOP 4 sao.

non-vinh-thinh-1.jpg
Những chiếc nón lá Vĩnh Thịnh là món quà được lựa chọn của nhiều khách tham quan làng nghề.

Tự hào về làng nghề, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Áng cho biết: Nghề làm nón lá đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân thôn Vĩnh Thịnh. Xã Đại Áng có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Trong đó có làng khoa bảng Nguyệt Áng, làng nón Vĩnh Thịnh, làng may Vĩnh Trung… Thời gian tới, địa phương định hướng quy hoạch phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái - khoa bảng, nón lá sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự hào làng nón Vĩnh Thịnh