Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết với doanh nghiệp

Ngọc Quỳnh| 13/12/2021 08:13

(HNM) - Thời gian qua, huyện Ba Vì đẩy mạnh hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, huyện tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết với các doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm OCOP.

Sản phẩm bò sữa Ba Vì đạt chuẩn OCOP. Ảnh: Phương Nga

Theo ông Tạ Viết Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì, với quy trình chăn nuôi bò sữa bảo đảm chất lượng, mỗi năm, hợp tác xã sản xuất khoảng 800.000 lít sữa, trong đó, khoảng 1,2 triệu lít sữa thành phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP "4 sao". Đặc biệt, từ khi sản phẩm sữa đạt tiêu chuẩn OCOP, hợp tác xã đã ký kết hợp đồng với siêu thị, cửa hàng tiện ích cung cấp số lượng ổn định.

Còn ông Phùng Văn Hải, hội viên Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp ong núi Ba Vì cho hay, vừa qua, sản phẩm mật ong của hợp tác xã được đánh giá đạt tiêu chuẩn "4 sao" thuộc Chương trình OCOP. Điều này tạo cơ hội cho sản phẩm mật ong của Ba Vì tiêu thụ rộng khắp trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.

Đánh giá về Chương trình OCOP trên địa bàn huyện thời gian qua, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, huyện vừa được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội đánh giá xếp loại 54 sản phẩm OCOP năm 2021, vượt 16 sản phẩm tham gia phân loại. Trước đó, năm 2020, huyện đã có 47 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP. Tất cả sản phẩm được lựa chọn đều là sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, được các cơ sở sản xuất, chế biến bảo đảm an toàn, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chất lượng kiểm định và ghi nhãn hàng hóa theo quy định.

“Các sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, thu nhập trung bình của người dân trên địa bàn huyện Ba Vì đạt 53 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện", ông Nguyễn Giáp Đông, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết thêm.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều sản phẩm đã đạt OCOP, có thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu tập thể, tem truy xuất nguồn gốc... song việc tiêu thụ còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân, do nông sản của huyện chủ yếu vẫn tiêu thụ qua các kênh của thương lái hoặc hộ sản xuất tự tiêu thụ tại các chợ đầu mối. Theo ông Trần Đình Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì, thời gian tới, để các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện tiếp tục phát huy hiệu quả, các ngành chức năng cần hỗ trợ hợp tác xã về sản xuất theo hướng an toàn. Cùng với đó, mở các hội chợ trên địa bàn huyện, thành phố để các chủ thể có cơ hội quảng bá, giới thiệu và tiếp tục ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, huyện luôn đồng hành và tạo điều kiện để các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuận tiện trong vận chuyển nông sản đến người tiêu dùng; đồng thời, hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện kết nối tiêu thụ, giúp nông dân ổn định đầu ra cho sản phẩm OCOP.

Còn theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của huyện Ba Vì đều được lựa chọn kỹ lưỡng, có chất lượng, mẫu mã đẹp, nhiều sản phẩm hữu ích với sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian tới, thành phố tiếp tục mở rộng các điểm bán sản phẩm OCOP để hỗ trợ các chủ thể tham gia bán, giới thiệu sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết với doanh nghiệp