Đổi thay ở một vùng đất trũng

Bài, ảnh: Đỗ Minh| 27/10/2019 08:06

(HNM) - Từ một vùng đất trũng thuần nông độc canh cây lúa, đời sống khó khăn... đến nay, xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) đang đổi thay từng ngày nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Những cánh đồng lúa chất lượng cao hoặc rau sạch cùng nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn đang biến vùng đất vốn gian khó này trở nên trù phú…

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thượng (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa).

Vụ mùa năm nay, người dân thôn Hoàng Dương, xã Sơn Công, rất phấn khởi bởi được mùa lúa chất lượng cao. Bà Ngô Thị Thơm - một người dân trong thôn chia sẻ: “Từ cuối năm 2018 đến nay, được sự hỗ trợ của Hợp tác xã Hoàng Dương, chúng tôi chuyển sang canh tác giống lúa chất lượng cao. Vụ này, cấy hơn 6 sào Nếp 87 và được Công ty Giống cây trồng trung ương thu mua với giá khá cao nên gia đình tôi rất vui”.

Không riêng gia đình bà Thơm, hiện nay, hầu hết nông dân thôn Hoàng Dương phấn khởi bởi có hướng sản xuất mới. Thay vì bán gạo thương phẩm, họ chuyển sang cung ứng giống cho một số công ty nên thu nhập ngày càng tăng nhờ "đầu ra" ổn định…

Ngoài thôn Hoàng Dương, nhiều thôn khác trong xã cũng tích cực chuyển đổi từ trồng lúa thường sang các giống lúa chất lượng cao. Chủ tịch UBND xã Sơn Công Nguyễn Sỹ Tuấn cho biết, hiện nay, diện tích lúa chất lượng cao đã chiếm gần 65% tổng diện tích trồng lúa toàn xã với các giống: JO2, Nếp 87, Bắc thơm…

Ngoài diện tích trồng lúa, những năm gần đây, Sơn Công còn định hướng phát triển các mô hình nông nghiệp chất lượng cao. Điển hình là mô hình trồng rau an toàn tại thôn Vĩnh Thượng - đây là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao triển khai đầu tiên trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Bên những luống dưa lê trồng trong nhà kính, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thượng Nguyễn Xuân Nghĩa chia sẻ: "Năm 2016, được sự hỗ trợ của huyện Ứng Hòa, Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thượng triển khai thí điểm trồng 5ha rau an toàn.

Nhận thấy hiệu quả, Hợp tác xã đã mở rộng diện tích lên 27ha và được Sở NN&PTNT Hà Nội chứng nhận là vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Đặc biệt, Hợp tác xã còn đầu tư xây dựng mô hình trồng 5.000m2 rau trong nhà kính, hình thành nhóm sản xuất với 4 hộ hợp tác; phân khu trồng thử nghiệm giống dưa chuột Israel, dưa lưới F1 Kim hoàng hậu và các loại rau cải, cà chua… Trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thượng cung ứng cho thị trường Hà Nội và các trường mầm non trên địa bàn huyện khoảng 10 tấn rau các loại".

Tận dụng lợi thế vùng đất trũng, ngoài chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Sơn Công còn mạnh dạn phát triển mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Công Nguyễn Sỹ Tuấn, thời điểm này, Sơn Công có 2 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, đó là trang trại nuôi lợn 2.000 con và trang trại nuôi gà khoảng 60.000 con (đều ở thôn Nghi Lộc). Ngoài ra, trên địa bàn xã có 8 trang trại chăn nuôi quy mô từ 200 vật nuôi trở lên cùng nhiều mô hình “vườn - ao - chuồng” cho hiệu quả kinh tế cao (từ 300 triệu đồng đến 600 triệu đồng/năm). Toàn xã còn có 43ha cây ăn quả như: Chuối, táo, bưởi Diễn… thu lãi từ 200 triệu đồng/ha trở lên...

Từ một vùng đất trũng của huyện Ứng Hòa trước đây chỉ độc canh cây lúa/rau màu ngắn ngày, đến nay, nhờ hướng đi phù hợp, Sơn Công đang chuyển mình mạnh mẽ thành vùng sản xuất đa canh theo thế mạnh từng vùng, từng nông hộ. Nhờ đó, thu nhập bình quân đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm. “Chúng tôi phấn đấu đến hết năm 2019 đạt chuẩn xã nông thôn mới” - Chủ tịch UBND xã Sơn Công Nguyễn Sỹ Tuấn khẳng định.

Với sự nỗ lực không ngừng của cán bộ và nhân dân, Sơn Công sẽ sớm đạt mục tiêu này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay ở một vùng đất trũng