Hỗ trợ chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm

Ngọc Quỳnh| 26/08/2022 07:17

(HNM) - Hiện nay, các sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Thanh Trì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ các chủ thể xây dựng chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan (xã Duyên Hà) Đặng Bá Thắng, hợp tác xã đang có diện tích trồng rau khoảng 54,7ha, trong đó, diện tích được cấp chứng nhận VietGAP là 20ha, sản lượng đạt 3.000 tấn rau/năm. Hiện, rau an toàn của hợp tác xã được công nhận OCOP 3 sao với 5 sản phẩm, cung cấp cho các siêu thị, bếp ăn tập thể, cửa hàng tiện ích...

Cũng về vấn đề này, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Song Đạt Dương Phương Mai cho biết, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng về thịt lợn sạch, an toàn ngày càng cao, nhằm đưa thực phẩm “sạch - an toàn - truy xuất nguồn gốc” tới người tiêu dùng, công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống dây chuyền pha lóc, sơ chế tự động thịt lợn theo tiêu chuẩn châu Âu, công suất trên 70 tấn thịt lợn/ngày - đêm. Sản phẩm thịt lợn đạt tiêu chuẩn OCOP đã giúp nâng cao giá trị bán ra thị trường.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh thông tin, trên địa bàn huyện hiện có 58 sản phẩm đạt OCOP. Nhìn chung, sản phẩm đa dạng về chủng loại, bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, giá trị kinh tế nông sản thế mạnh của huyện tăng 15-20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, doanh số bán hàng của các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP đều tăng hơn so với trước.

Thực tế cho thấy, Thanh Trì có nhiều lợi thế để thực hiện Chương trình OCOP, nhưng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản... chưa hiểu và còn lúng túng khi tham gia OCOP. Nhằm tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất cho các chủ thể OCOP, huyện Thanh Trì đã chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn hướng dẫn lập hồ sơ sản phẩm đăng ký tham dự Chương trình, chỉ đạo khảo sát các cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký để lựa chọn đánh giá, phân hạng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, để sản phẩm OCOP phát huy hiệu quả, thời gian tới, huyện tiếp tục có chính sách như hỗ trợ kinh phí đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, tập huấn Chương trình OCOP cho các chủ thể. Cùng với đó, huyện định hướng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung và xây dựng thương hiệu. Thanh Trì cũng tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, trong đó ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm chế biến sâu, công nghệ cao, quy mô lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Mặt khác, huyện còn hỗ trợ thiết kế logo, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm bằng việc đưa sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm và trưng bày tại huyện, thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm