Sóc Sơn xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Ngọc Quỳnh| 07/10/2020 07:41

(HNM) - Nhờ đẩy mạnh công tác quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn tạo thuận lợi cho người dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất... đến nay, huyện Sóc Sơn đã hình thành nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, cho giá trị kinh tế cao.

Đánh giá về hiệu quả của những mô hình ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Ngọc Tân cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 32 vùng sản xuất và hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung: Vùng trồng rau hữu cơ, rau an toàn, VietGAP, rau công nghệ cao với quy mô từ 2ha trở lên. Những mô hình này tập trung tại các xã: Thanh Xuân, Minh Phú, Phú Cường... Vùng trồng cây ăn quả với quy mô từ 5ha trở lên tại các xã: Phú Cường, Phú Minh, Đông Xuân, Quang Tiến... Vùng trồng cây dược liệu, thảo dược với quy mô từ 2ha trở lên tại các xã: Bắc Sơn, Hiền Ninh, Minh Trí, Nam Sơn, Xuân Giang... Các mô hình này đều cho giá trị từ 330 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo ông Hoàng Quốc Chiến ở xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn), năm 2015, gia đình thuê đất trồng rau thủy canh tại huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) và cho giá trị kinh tế cao. Có kinh nghiệm, năm 2017, gia đình đầu tư khoảng 2 tỷ đồng xây dựng 2.000m2 nhà lưới trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao tại xã Phú Cường với các loại rau theo mùa (rau muống, cải xanh, cải xà lách tím, cải bó xôi, cải thìa, cải ngọt...).

“Nhìn chung, rau trồng theo hướng thủy canh phát triển tốt, thích hợp với khí hậu, giá cả tương đối ổn định (khoảng 35.000-40.000 đồng/kg), cao hơn 10% so với các loại rau bán ngoài chợ. Đặc biệt, sản xuất theo phương pháp này bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên gia đình được ký hợp đồng cung cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi xuất bán khoảng 3 tấn rau, thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm”, ông Hoàng Quốc Chiến chia sẻ.

Cũng về vấn đề này, ông Khổng Văn Hưng, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Phú Minh (huyện Sóc Sơn) cho hay, với diện tích 25.000m2, trang trại đang nuôi 300 lợn nái, hơn 1.000 lợn thương phẩm. Nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi nên không chỉ kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi, mà giá bán thịt lợn an toàn sinh học cao hơn 10-15% so với thịt lợn nuôi theo hướng truyền thống, mỗi năm thu khoảng vài tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Sóc Sơn tiếp tục chuyển đổi khoảng 1.615ha đất trồng lúa sang canh tác rau màu, hoa, cây cảnh, cây dược liệu và nuôi trồng thủy sản. Để thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư, hình thành thêm những mô hình ứng dụng công nghệ cao, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, huyện tiếp tục có những chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi nội đồng, hệ thống điện, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh việc chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, phù hợp với địa phương vào sản xuất; tăng cường mở các lớp tập huấn kỹ thuật, bổ sung kiến thức kinh tế thị trường cho nông dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Sơn xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao