Tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Ngọc Quỳnh| 14/03/2022 07:53

(HNM) - Thời gian qua, cùng với tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, huyện Thạch Thất đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.

Sử dụng máy cấy trong sản xuất nông nghiệp tại xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất). Ảnh: Nhật Nam

Bà Nguyễn Thị Lụa, xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất) chia sẻ, với diện tích hơn 1,5 mẫu trồng lúa, hiện nay, hợp tác xã trên địa bàn thực hiện toàn bộ khâu làm đất, thu hoạch, cấy bằng máy nên lúa các vụ đều sinh trưởng, phát triển tốt, hiệu quả kinh tế tăng gấp 2-3 lần so với cấy lúa bằng phương pháp truyền thống. Nhờ đưa cơ giới vào sản xuất nên đã giải phóng sức lao động và giúp gieo trồng đúng khung thời vụ nên hiệu quả kinh tế vượt trội.

Còn theo ông Nguyễn Đỗ Ban, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Hợp tác xã đã đẩy mạnh việc đưa cơ giới vào khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, gieo trồng. Năm 2021, huyện Thạch Thất phối hợp Sở NN&PTNT Hà Nội sử dụng dịch vụ phòng trừ dịch hại bảo vệ thực vật bằng công nghệ cao (sử dụng máy bay không người lái), thực hiện tại xã Hương Ngải với 50ha lúa. Cách làm này đã giúp phòng trừ sâu bệnh tốt, giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người dân. Đặc biệt, việc sử dụng mô hình này còn giúp tiết kiệm 95% lượng nước so với phương pháp phun thủ công.

Về hiệu quả của chương trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, hiện nay, tỷ lệ diện tích gieo trồng được cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch của huyện đạt gần 100%, tưới tiêu đạt 95% diện tích canh tác. Năm 2021, huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai thực hiện 1 mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy máy tại xã Canh Nậu, quy mô 15.000 khay mạ, cấy diện tích 60ha lúa…

“Thực tế cho thấy, việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện đúng lịch thời vụ, giải phóng sức lao động cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất. Các biện pháp thâm canh sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng đã giảm được 15% chi phí, năng suất lúa các vụ tăng 10-15% so với phương pháp gieo trồng truyền thống. Mặt khác, việc này còn thay đổi nhận thức của nông dân trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp”, ông Hoàng Chí Lượng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả rõ rệt, tại một số địa phương việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp vẫn còn khó khăn như: Chi phí đầu tư mua máy móc còn cao, trình độ của người dân trong tiếp cận ứng dụng thiết bị, công nghệ không đồng đều, ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất. Để tháo gỡ khó khăn, đưa nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng bền vững, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, thời gian tới, cùng với các biện pháp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, huyện tiếp tục phối hợp với ngành Nông nghiệp thực hiện thí điểm các mô hình về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Song song đó, huyện mở rộng diện tích ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong khâu làm đất, cấy và thu hoạch lúa; thực hiện thí điểm mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ làm phân bón cho cây trồng và làm thức ăn cho gia súc ở các xã: Đại Đồng, Lại Thượng, Phú Kim, Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu, Bình Phú, Bình Yên, Tân Xã, Đồng Trúc, Yên Bình, Yên Trung. Huyện tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đầu tư máy móc trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo hiệu quả kinh tế cao hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp