Sóc Sơn giải quyết tình trạng hồ thủy lợi bị xâm hại

Kim Nhuệ| 21/03/2022 07:52

(HNM) - Hồ thủy lợi có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai đối với huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, tại các xã Minh Phú, Minh Trí, Phù Linh, nhiều hồ thủy lợi đang bị xâm hại với những hình thức: Xây tường, kè đá, đổ đất, dựng lều lán... trong phạm vi bảo vệ công trình. Thực tế này đòi hỏi Sóc Sơn cần kiên quyết xử lý các vi phạm.

Nhân viên Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Sóc Sơn kiểm tra, xác định mức độ vi phạm tại hồ Đồng Đò, xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn).

Đơn cử, tại bờ phải hành lang kênh chính hồ Ban Tiện (thuộc địa bàn xã Minh Phú) tồn tại bức tường xây bằng gạch cao khoảng 1m, rộng 0,11m, dài 27m. Tại khu đầu mối hồ này cũng tồn tại khung sắt dựng trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi với chiều dài khoảng 14m, cao 1,9m. Còn tại lòng hồ Đồng Đò (thuộc địa bàn xã Minh Trí) tồn tại khung thép làm mái tôn dài 6,5m, rộng 5,5m, cao 2,3m...

Chứng kiến những vi phạm này, người dân địa phương bức xúc đề nghị các cấp, các ngành phải xử lý nghiêm để răn đe những trường hợp khác; đồng thời, kiểm tra, xử lý những tập thể, cá nhân để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm nhưng không xử lý theo thẩm quyền...

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi Sóc Sơn Nguyễn Văn Huyền thông tin, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn phát sinh 9 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi, trong đó có 5 vụ xảy ra tại hồ Đồng Đò thuộc địa phận xã Minh Trí, 3 vụ ở hồ Ban Tiện (xã Minh Phú) và 1 vụ ở hồ Đồng Quan (xã Tiên Dược). Do không có chức năng xử lý nên Xí nghiệp đã lập biên bản, chuyển hồ sơ đề nghị các xã và huyện Sóc Sơn xử lý theo thẩm quyền ngay sau khi phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, đến nay, những vụ việc vi phạm nói trên vẫn chưa được xử lý triệt để.

Liên quan nội dung trên, Chủ tịch UBND xã Minh Trí Đinh Văn Bảo cho biết, xã đã cử cán bộ xuống hiện trường lập biên bản và yêu cầu người dân dừng ngay các hành vi vi phạm. “Xã đang tập trung vận động người dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Nếu các hộ không nghiêm túc chấp hành, xã sẽ cưỡng chế giải tỏa ngay trong tháng 3 này”, Chủ tịch UBND xã Minh Trí khẳng định.

Tương tự, các xã: Minh Phú, Tiên Dược, Phù Linh... đang vận động người dân tự giải tỏa; phân loại, xây dựng kế hoạch và củng cố hồ sơ xử lý vi phạm phát sinh năm 2022 và tồn đọng từ những năm trước. Để giảm số vụ phát sinh, có căn cứ pháp lý xử lý dứt điểm vi phạm, các xã đề nghị các cấp, các ngành sớm cắm mốc giới vùng phụ cận bảo vệ công trình thủy lợi; ủy quyền cho đơn vị quản lý hoặc UBND cấp huyện, cấp xã cấp phép xây dựng công trình trong vùng phụ cận bảo vệ hồ thủy lợi, bởi thực tế, phần lớn hồ đập trên địa bàn huyện Sóc Sơn chưa được cắm mốc giới. Trong khi nhu cầu cải tạo, xây dựng nhà ở, công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân ngày càng tăng.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, huyện đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những đề xuất trên. Việc cần làm của các xã hiện nay là khẩn trương thiết lập hồ sơ, kiên quyết cưỡng chế giải tỏa, xử lý dứt điểm đối với những trường hợp không tự giác tháo dỡ công trình vi phạm ngay trong tháng 3 này. Các xã phải phối hợp chặt chẽ với Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Sóc Sơn thống nhất giải pháp quản lý, ngăn chặn vi phạm ngay từ ban đầu, không để phát sinh hoặc tái vi phạm. “Địa phương nào để xảy ra vi phạm mà chậm xử lý dứt điểm, chủ tịch địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện và pháp luật...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sóc Sơn giải quyết tình trạng hồ thủy lợi bị xâm hại