Bảo vệ đàn lợn trước bệnh Dịch tả lợn châu Phi

Hoàng Sơn| 03/11/2021 07:18

(HNM) - Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, bệnh Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở một số địa phương, ảnh hưởng đến việc tái đàn lợn. Trước thực trạng này, các cơ sở chăn nuôi lớn của huyện Quốc Oai triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo vệ an toàn cho đàn lợn...

Chăm sóc đàn lợn tại trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Lâm, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai).

Ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), người có hơn 20 năm kinh nghiệm chăn nuôi lợn, chia sẻ: “Để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, mỗi tuần, tôi phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại 3 lần bằng hóa chất, rắc vôi bột xung quanh trang trại và tưới nước vôi xuống hệ thống cống rãnh, bể xử lý chất thải chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh. Đặc biệt, tôi bố trí công nhân ăn, ở, làm việc tại trang trại; đầu tư máy móc, mua nguyên liệu về tự trộn thức ăn để bổ sung dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn…”.

Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh nên đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Lâm nhiều năm nay không bị mắc bệnh dịch. Hiện, trang trại của ông luôn duy trì 100 lợn nái, 500 lợn thịt/lứa, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa, doanh thu 10 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, trang trại hơn 1.000 con lợn của anh Hoàng Văn Thặm ở xã Hòa Thạch cũng được chăm sóc tốt, không bị mắc dịch. Từ đầu năm 2021 đến nay, anh Thặm xuất chuồng được khoảng 180 tấn lợn hơi, trừ chi phí, lợi nhuận đạt 2-2,5 tỷ đồng. Có được thành công này là do anh Thặm luôn chú trọng khâu tuyển chọn con giống tốt, tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn. Ngoài ra, anh cũng đầu tư công nghệ vào chăn nuôi; thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y, không để chuồng trại ẩm ướt, dễ phát sinh mầm bệnh.

Ngoài ra, để bảo vệ đàn lợn trước bệnh Dịch tả lợn châu Phi và dịch bệnh khác, từ đầu năm 2021 đến nay, UBND huyện Quốc Oai đã tổ chức 2 đợt tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường. Mỗi đợt, các xã, thị trấn được hỗ trợ 1.450 lít hóa chất RTD-TC01 và 700kg Navetkon-S để phun sát khuẩn các cơ sở chăn nuôi, chợ buôn bán động vật sống, khu giết mổ, các ổ dịch cũ.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Sắc cho biết, để chặn đứng nguồn lây dịch bệnh, huyện không khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn lợn mà ưu tiên hỗ trợ kỹ thuật những trang trại chăn nuôi lớn, xa khu dân cư. Đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố về tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, như: Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh, đặc biệt là tại các xã có tổng đàn lợn lớn, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi có dịch bệnh được phát hiện; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh...

“Huyện cũng yêu cầu các cơ sở chăn nuôi phải cam kết bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh. UBND huyện giao các xã, thị trấn phối hợp với cán bộ thú y lập sổ theo dõi 100% số hộ tái đàn để kiểm soát chặt chẽ quy trình nuôi, nguồn gốc con giống, đặc biệt có phương án khoanh vùng, xử lý ngay khi lợn mắc bệnh”, bà Nguyễn Thị Sắc thông tin thêm.

Nhờ quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, huyện Quốc Oai đã phát triển được khoảng 150 trang trại chăn nuôi xa khu dân cư, tập trung tại các xã: Cấn Hữu, Hòa Thạch, Sài Sơn, Đông Yên, Cộng Hòa... với tổng đàn lợn gần 39.000 con. Từ nay đến cuối năm 2021, huyện tập trung bảo vệ an toàn cho đàn lợn trước dịch bệnh, tăng tổng đàn lợn lên 41.000 con; sản lượng lợn hơi xuất chuồng ước đạt 4.000 tấn/năm, góp phần tăng nguồn cung và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ đàn lợn trước bệnh Dịch tả lợn châu Phi