Phát triển văn hóa song hành với xây dựng kinh tế

Hà Thư| 17/09/2019 11:14

(HNNN) -  Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa nông thôn là động lực thúc đẩy việc hoàn thành các chỉ tiêu chung xây dựng nông thôn mới, đưa các vùng ngoại thành phát triển theo hướng hài hòa, bền vững. Dưới đây là một số ý kiến do Hà Nội Ngày nay lược ghi xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Chí – Phó Chánh văn phòng Thường trực văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội:

Xây dựng làng văn hóa là nội dung chính trong tiến trình xây dựng nông thôn mới

10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy các vùng nông thôn ngoại thành có sự thay đổi toàn diện và rất rõ nét. Trong thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí liên quan tới đời sống văn hóa tinh thần được các địa phương quan tâm, các tổ chức chính trị cơ sở vào cuộc quyết liệt tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia với rất nhiều thay đổi trong phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng nếp sống và con người nông thôn.

Đặc biệt, phong trào xây dựng Làng văn hóa đang diễn ra rất sôi nổi và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Xây dựng Làng văn hóa là nội dung chính trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Với yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, củng cố và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao; tạo lập cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; giữ gìn thuần phong mỹ tục, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh..., công tác xây dựng Làng văn hóa được các huyện hết sức chú trọng. Mỗi một làng đạt chuẩn văn hóa sẽ góp phần đưa xã, huyện tiến lên đạt các tiêu chí nông thôn mới, do đó xây dựng Làng văn hóa có thể coi là nội dung chính trong xây dựng nông thôn mới.

Công tác đăng ký, bình xét, công nhận và trao tặng danh hiệu Làng văn hóa được thực hiện theo đúng Quy chế công nhận các danh hiệu văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND Thành phố, đảm bảo chất lượng trong quá trình bình xét công nhận: Tổ chức kiểm tra từng thôn làng theo tiêu chuẩn đã định; căn cứ vào thực tế, không đặt nặng mức hoàn thành chỉ tiêu cụ thể giao hằng năm vào đánh giá kết quả phong trào... Việc tổ chức trao tặng, đón nhận các danh hiệu nghiêm túc, trọng thể, trở thành ngày hội văn hóa của các thôn làng được công nhận, có tác dụng cổ vũ, động viên các thôn làng tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả đã đạt được, tạo động lực cho những thôn làng đang trong quá trình phấn đấu.

Bà Đào Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng:

“Tạo bước đi bền vững cho nông thôn mới”

Các cấp chính quyền và nhân dân huyện Đan Phượng luôn coi trọng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân gắn liền với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa quý báu, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân theo hướng tươi vui, lành mạnh, phát triển hài hòa, bền vững. Bởi thế trong quá trình phát triển nông thôn, đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp đặc biệt là 10 năm thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới vừa qua, chính quyền huyện Đan Phượng vẫn kiên trì câu chuyện phát triển văn hóa của mình.

Để hình thành và khai thác tốt hệ thống nhà văn hóa ở các thôn, làng, khu dân cư, từ năm 2016 huyện Đan Phương đã xây dựng và thực hiện đề án Nâng cao chất lượng hoạt động nhà văn hóa thôn. Điểm nhấn là xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức và quản lý, khai thác hiệu quả hoạt động các nhà văn hóa. Dự kiến đến hết năm nay huyện sẽ cán đích mục tiêu đề ra với 129/129 thôn, tổ, khu dân cư có nhà văn hóa. Trong khi ở nhiều nơi còn đặt ra vấn đề về tính hiệu quả trong hoạt động của nhà văn hóa thì với Đan Phượng câu chuyện này đang được thực hiện rất bài bản, hiệu quả. Huyện đã tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ văn hóa, thể thao cho Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa thôn, hướng dẫn cụ thể việc xây dựng kế hoạch hoạt động của nhà văn hóa thôn, phố, cụm dân cư. UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, giám sát và thực hiện chấm điểm định kỳ 6 tháng, cuối năm nhằm đảm bảo việc hoạt động của các nhà văn hóa đúng quy chế, hiệu quả. Huyện Đan Phượng là đơn vị đầu tiên của thành phố hỗ trợ mỗi năm từ 4-5 triệu đồng/ nhà văn hóa để thúc đẩy hoạt động mô hình này.

Phát triển kinh tế gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc, phát triển mọi mặt đời sống văn hóa, huyện Đan Phượng quyết tâm giữ vững vị trí là lá cờ đầu của thành phố trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Quang Khánh – Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì:

“Phát huy nét đẹp con người và văn hóa Yên Mỹ”

Là một xã nằm ngoài bãi sông Hồng với đặc điểm “nhất xã nhất thôn”, nét văn hóa tiêu biểu của người dân Yên Mỹ là sống đoàn kết, nghĩa tình, có tinh thần trách nhiệm cao. Đáng quý là dù kinh tế ngày càng đi lên nhưng trong giao tiếp, ứng xử của đa số người dân Yên Mỹ vẫn giữ được nền nếp, nền nã, không hề có sự xô bồ, chao chát.

Với nhận thức văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững, chúng tôi xác định xây dựng đời sống văn hóa phải bắt nguồn từ việc nâng cao chất lượng hoạt động, các phong trào từ cơ sở. Cùng với đầu tư các nguồn lực phát triển nông thôn mới, những năm qua xã Yên Mỹ đã phát huy truyền thống đoàn kết trong nhân dân, tập trung cải tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cũng từ công cuộc xây dựng nông thôn mới những phẩm chất tốt đẹp, các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống của người dân được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu được hạn chế, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Đặc biệt, 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Yên Mỹ đã luôn gắn bó, đoàn kết, chung sức chung lòng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy nét truyền thống văn hóa của quê hương, xây dựng nông thôn ngày càng khang trang đổi mới, đồng thời tiếp thu những giá trị văn hóa mới, văn minh hơn của thời  đại, nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân.

Chị Ngô Thị Tuyết, Thôn Yên Viên, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm:

“Hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng, vui tươi”

Nếu như trước đây đời sống vật chất, đặc biệt là đời sống tinh thần của người dân nông thôn rất nghèo nàn, đơn điệu thì nay không những nhu cầu vật chất được đủ đầy, sung túc hơn mà mọi người còn tìm được nhiều niềm vui trong cuộc sống nhờ những hoạt động văn hóa thể thao, giải trí đa dạng ở ngay trong thôn, xóm. Nhờ hệ thống nhà văn hóa, sân tập thể dục thể thao do chính quyền đầu tư mà mỗi ngày của chúng tôi đều được tập thể dục dưỡng sinh, chơi bóng chuyền hơi, cầu lông. Còn buổi tối nhà văn hóa thôn luôn sáng đèn để mọi người tập khiêu vũ. Ai cũng cảm thấy khỏe mạnh, vui tươi, thoải mái.

Không phải đợi đến kỳ cuộc chúng tôi mới tổ chức tập khiêu vũ, hát múa, luyện tập thể thao... mà hoạt động này đã trở thành nhu cầu thường xuyên của người dân. Cũng bởi thường xuyên gặp gỡ, luyện tập, hát múa mà tình làng nghĩa xóm ngày càng thêm khăng khít, vui vẻ. Chúng tôi cũng thường xuyên tham gia các phong trào, thực hiện nhiệm vụ công tác của thôn, tổ, xã một cách tích cực, góp một phần dù là nhỏ bé để xây dựng xã Yên Viên ngày càng giàu mạnh, đi lên”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển văn hóa song hành với xây dựng kinh tế