Sôi nổi Giải thưởng ''Nhà giáo Đan Phượng tâm huyết, sáng tạo''

Nguyễn Mai| 13/09/2022 15:21

(NSHN) - Yêu thương, tận tâm với học trò; không ngừng đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy…, đó là những cách làm được các thầy, cô giáo chia sẻ tại vòng chung khảo Giải thưởng “Nhà giáo Đan Phượng tâm huyết, sáng tạo” do ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng tổ chức ngày 13-9.

  Cô giáo Đỗ Thị Kim Chinh - Trường Tiểu học Đồng Tháp thuyết trình tại vòng chung khảo Giải thưởng "Nhà giáo Đan Phượng tâm huyết, sáng tạo".

Khơi gợi niềm đam mê học tập

Xây dựng website cung cấp tư liệu học tập, lập tủ sách cho học sinh ngay tại lớp, đưa lớp học mầm non ra ngoài thiên nhiên, lập trình trò chơi (game) thành bài giảng… là những sáng tạo nổi bật, gây ấn tượng mạnh của giáo viên huyện Đan Phượng.

Những năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Trà Giang - Trường Mầm non Tân Hội A (xã Tân Hội) đã tìm tòi giải pháp để các bé yêu thích đến trường. "Nhận thấy Trường Mầm non Tân Hội A có không gian xanh mát và bình yên, tôi đã thực hiện giải pháp để xây dựng “Lớp học hạnh phúc”. Ở đó, các con có nhiều thời gian hoạt động ngoài trời, giúp trẻ gần gũi hơn với thiên nhiên và khám phá thiên nhiên. Tôi hướng dẫn các con quan sát lá cây dưới ánh nắng để nhận thấy sự thay đổi về màu sắc; dùng tay ôm thân cây giúp cảm nhận được cây to hay nhỏ; cho các con trải nghiệm ép hoa, lá khô cùng rất nhiều trò chơi vận động ngoài trời", cô Giang chia sẻ.

Tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên rất tốt cho sự phát triển hệ xương của bé; các bài học về quan sát sự vật, cây cối cũng cung cấp cho trẻ vốn hiểu biết về thế giới xung quanh và các trò chơi vận động là nội dung không thể thiếu giúp trẻ phát triển thể chất và kỹ năng giao tiếp xã hội, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin, hòa đồng, tạo sự đoàn kết trong tập thể lớp…

Cô giáo Phạm Thị Hồng Hạ, giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh cho biết, trong công tác chủ nhiệm lớp, cô đã sáng tạo làm “cây”, “thẻ”, “cốc giấy" ghi lại trạng thái cảm xúc khác nhau của học sinh. Mỗi ngày, học sinh sẽ chọn biểu tượng cảm xúc phù hợp với cảm xúc hiện tại của bản thân. Qua nắm bắt, giáo viên chủ nhiệm giúp các em giải tỏa cảm xúc trong cuộc sống, trong học tập, tình bạn; có kỹ năng kiểm soát những cảm xúc tiêu cực, tránh xảy ra biến đổi tâm lý theo hướng xấu. Đối với những học sinh vi phạm quy chế nhiều lần, cô Hạ ký giao ước với học sinh, có thưởng - phạt đối với học sinh có hoặc không thực hiện đúng cam kết… Nhờ vậy, nhiều học sinh chưa ngoan đã tiến bộ rõ rệt trong học tập và rèn luyện.

Cô giáo Đỗ Thị Kim Chinh - Trường Tiểu học Đồng Tháp chia sẻ, đã bắt tay vào mày mò tìm hiểu, xây dựng website học tập có địa chỉ https://tieuhocdongthap.com. Trên đó, đăng tải các dạng bài tập được thiết kế những câu hỏi liên quan đến bài học, học sinh có thể truy cập dễ dàng. Nhờ sáng tạo của cô Chinh, website học tập đã lan tỏa tới các giáo viên của Trường Tiểu học Đồng Tháp từ năm học 2020-2021, đặc biệt hiệu quả trong thời gian học online do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Lan tỏa tình yêu nghề

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng, năm học 2021-2022 là năm thứ 6 thành phố Hà Nội triển khai Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”. Trên địa bàn huyện Đan Phượng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tổ chức tại 50/54 trường, thu hút hơn 200 nhà giáo tham gia. Qua vòng sơ khảo, huyện đã chọn được 62 nhà giáo và tiếp tục chọn 9 nhà giáo tham gia vòng chung khảo, bao gồm: 3 giáo viên khối mầm non, 3 giáo viên khối tiểu học và 3 giáo viên khối trung học cơ sở.

 Lãnh đạo UBND huyện Đan Phượng khen thưởng các giáo viên đoạt giải.

Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã chọn 3 nhà giáo xuất sắc nhất tham dự giải thưởng cấp thành phố là các cô giáo: Mầu Thị Hiền, Trường Mầm non Đan Phượng; Kim Thị Lan, Trường Tiểu học Tân Lập B; Phạm Thị Hồng Hạ, Trường THCS Lương Thế Vinh.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Trưởng ban Giám khảo Giải thưởng "Nhà giáo Đan Phượng tâm huyết, sáng tạo” cho biết, tại vòng chung khảo giải thưởng, hơn 100 thầy, cô giáo trong các nhà trường đã tham dự, không chỉ để cổ vũ cho các thầy, cô dự thi, mà còn có nhiều chia sẻ chuyên môn hữu ích. 9 thầy, cô giáo tham gia chung khảo đã truyền cảm hứng để các thầy, cô giáo khác vượt lên khó khăn, thêm tâm huyết, sáng tạo trong giảng dạy. 

Lưu ý đối với các thầy, cô giáo để thực hiện tốt hơn nữa tâm huyết, sáng tạo đối với nghề, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân cho rằng, mỗi giáo viên cần tự đặt ra câu hỏi: Lớp mình còn chưa tốt ở điều gì để có những sáng tạo cụ thể khắc phục điểm yếu đó. Ví như, sáng tạo trong công tác chủ nhiệm lớp, sáng tạo trong bài giảng, sáng tạo trong tạo dựng mối quan hệ tích cực với phụ huynh… Tất cả những thay đổi đó giúp công tác giáo dục và đào tạo đạt kết quả tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi Giải thưởng ''Nhà giáo Đan Phượng tâm huyết, sáng tạo''